Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng H9 – Krông Bông

PV - 09:36, 31/08/2020

Huyện H9 (nay là huyện Krông Bông) là khu căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc huyện đã đoàn kết, kiên trung với cách mạng, kiên cường chiến đấu, giúp H9 là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng. Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện lại đoàn kết, nỗ lực “hàn gắn vết thương chiến tranh”, nâng cao đời sống người dân và giúp vùng căn cứ kháng chiến ngày càng “thay da đổi thịt”.

Lễ cúng cầu mưa của người Ê Đê ở huyện Krông Bông. Ảnh: TTXVN
Lễ cúng cầu mưa của người Ê Đê ở huyện Krông Bông. Ảnh: TTXVN

Vùng đất anh hùng

Mặc dù chiến tranh đã qua đi hàng chục năm song trong trí nhớ của những người đã “vào sinh ra tử” như già Y Dhăk Niê Kđăm (buôn Tun, xã Yang Mao), ông Nguyễn Văn Trương (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền)… vẫn còn nguyên vẹn ký ức của một thời “gian lao mà anh dũng”. Đó là ký ức về những trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch cùng những chiến công oanh liệt của quân – dân ta. Là những tháng ngày địch điên cuồng trút bom, đạn đại bác khiến Krông Bông không có nơi nào là không có dấu vết bom, đạn địch. Đó còn là những tháng ngày dù thiếu ăn, thiếu vải mặc, thiếu thuốc chữa bệnh kéo dài nhưng nhân dân các dân tộc trong huyện vẫn kiên cường bám trụ, vừa tăng gia sản xuất, nhường cơm sẻ áo để đóng góp sứa người, sức của cho cách mạng, vừa rào làng, cắm chông, bố phòng để chống địch đi càn.

Thác buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, một điểm đến du lịch sinh thái của huyện. Ảnh: TTXVN
Thác buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, một điểm đến du lịch sinh thái của huyện. Ảnh: TTXVN

Gia đình già Y Dhăk Niê Kdăm, buôn Tun, xã Yang Mao giàu truyền thống cách mạng. Năm 1971, già Y Dhăk mới 17 tuổi đã tham gia đội du kích tập trung, trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ buôn làng. Theo lời kể của già Y Dhăk, những năm 1966 – 1971, Mỹ - Ngụy điên cuồng càn quét, thả bom đạn dọc sông Krông Bông nhưng người dân xã Yang Mao nói riêng, huyện Krông Bông nói chung không hề sợ sệt mà còn hăng hái chống giặc. Người già, người yếu thì đi dân công hỏa tuyến ngắn ngày, người khỏe hơn thì đi dài ngày. Có một lần địch càn quét vào vùng căn cứ Cư Pui và Cư Drăm, xã Yang Mao, đội của già Y Dhăk có 13 người thì hy sinh 10 người. Những người còn lại nén đau thương, quyết tâm giữ tinh thần để bám đất, giữ làng.

Nông dân huyện Krông Bông chăm sóc cây cà phê. Ảnh: TTXVN
Nông dân huyện Krông Bông chăm sóc cây cà phê. Ảnh: TTXVN

Tinh thần quật cường, một lòng tin Đảng, tin cách mạng của người dân Krông Bông cũng là niềm tự hào của ông Nguyễn Văn Trương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền. Ông Trương cho biết, với sự lãnh đạo tài tình của chính quyền và sự đoàn kết đồng lòng của quân - dân, năm 1965, toàn huyện H9 được giải phóng. Đây là cơ sở để xây dựng lực lượng cách mạng phục vụ cho kháng chiến, huyện trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh. Người dân rút vào các hang đá, núi để ở, vừa tránh sự càn quét của địch vừa hoạt động cách mạng. Các phong trào như “diệt ác, phá kìm”, góp quỹ nuôi quân, du kích, vót chông,… và công tác huy động dân công vận chuyển vũ khí, lương thực về căn cứ sục sôi trong nhân dân huyện, đã góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/1975.

Người Ê Đê ở huyện Krông Bông nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: TTXVN
Người Ê Đê ở huyện Krông Bông nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: TTXVN

Sau khi Nam - Bắc về chung một nhà, huyện Krông Bông vẫn còn hoang vu, đổ nát. Người dân từ các hang núi, hốc đá về lại buôn làng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trương, lúc bấy giờ xã Khuê Ngọc Điền chỉ còn 163 hộ. Chính quyền xã đã nhận thêm hơn 1.000 hộ dân từ các tỉnh miền Trung đi kinh tế mới vào. Từ những cánh đồng hoang, người dân đã khai hoang, phục hóa thành đồng ruộng, làm thủy lợi để trồng lúa nước, đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp, không điện, không đường sá. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V ra đời vào ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã đưa máy móc, đội cơ giới vào sản xuất, đây là một cuộc “cách mạng” trong công tác sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân của huyện.

Krông Bông hôm nay

Krông Bông hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống điện – đường – trường – trạm – thủy lợi được đầu tư kiên cố. Từ năm 2011 – 2019, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã huy động được hơn 1.186 tỷ đồng để huyện thực hiện các tiêu chí. Đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 toàn huyện ước đạt 28,6 triệu đồng/người. Hệ thống chính trị được hoàn thiện và củng cố từ huyện đến thôn, buôn.

Người dân huyện Krông Bông chung tay xây dựng nông thôn mới làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: TTXVN
Người dân huyện Krông Bông chung tay xây dựng nông thôn mới làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: TTXVN

Từ phương thức sản xuất chọc lỗ, tra hạt, manh mún, nhỏ lẻ, dùng sức tay chân là chính, người dân đã dần cơ giới hóa vào sản xuất, biết liên kết hỗ trợ nhau. Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình ở xã Cư Kty, hiện có 48 thành viên chính thức và 328 thành viên liên kết. Hợp tác xã có trụ sở làm việc, nhà kho, sân phơi, nhà máy chế biến, máy gặt đập liên hoàn, xe cày xới, dàn máy phun thuốc,… Hoạt động đa ngành nghề như cung ứng vật tư nông nghiệp, quản lý sản xuất và hợp đồng mua bán nông sản, chế biến nông sản và cung ứng ra thị trường. Đây là một hợp tác xã kiểu mẫu, điển hình về tính năng động, sáng tạo, đi đầu trong học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thành lập cánh đồng mẫu, xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 350 lao động thời vụ.

Già Y Dhăk Niê Kdăm, buôn Tun, xã Yang Mao phấn khởi cho biết, ngày mới giải phóng còn đói ăn đói mặc, ao ước có củ sắn, củ khoai để ăn đã là tốt, giáo viên còn phải từ miền xuôi lên miền núi dạy học. Bây giờ đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, có của ăn của để, nhà nhà có ti vi, có xe máy, con cháu được học hành, già rất là mừng. Đời sống người dân thay đổi và vươn lên là nhờ chủ trương tách hộ giãn dân (năm 1989) và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông đang đoàn kết, nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bạch hầu. Là địa bàn có đông người dân từ các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Đà Nẵng đến sinh sống và định cư, ngay từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, ngành y tế huyện đã tiến hành cách ly 1.404 trường hợp tại nhà. Ngoài ra, Krông Bông hiện có số ca mắc bạch hầu nhiều nhất tỉnh với 17/39 trường hợp. Chính quyền huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm triệt để khoanh vùng, kiểm soát dịch.

Diện mạo trung tâm huyện Krông Bông ngày nay. Ảnh: TTXVN
Diện mạo trung tâm huyện Krông Bông ngày nay. Ảnh: TTXVN

Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Bông Nguyễn Đức Vũ cho biết, các chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào của huyện đã kiểm soát chặt chẽ lượng người và xe ra về từ vùng dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân, tiêm chủng vắc – xin bạch hầu, xử lý các ổ dịch bạch hầu, thành lập các đội đáp ứng nhanh được triển khai đồng loạt. Ngoài ra, từ chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, 14/14 xã, thị trấn được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, y tế dự phòng,… đã hỗ trợ tích cực cho huyện trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, huyện không có ca mắc COVID-19 và dịch bạch hầu đang được kiểm soát. Chính quyền và nhân dân huyện vững niềm tin sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn của “dịch chồng dịch”.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng, theo Bí thư Huyện ủy huyện Krông Bông Đỗ Quốc Hương, giải pháp căn cơ là cải tạo và đầu tư có trọng điểm vào nông nghiệp. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải dùng giống mới có năng suất cao và sản xuất tập trung theo mô hình công nghệ cao, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, chú trọng thành lập các hợp tác xã có năng lực. Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, trạm bơm để đảm bảo chủ động nguồn nước tưới cho nhân dân; giải quyết kịp thời những vướng mắc ở cơ sở, nhất là về đất đai và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

H9 hôm qua, Krông Bông hôm nay mãi là địa danh đầy tự hào về một thời hoa lửa “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của người dân huyện nói riêng, người dân tỉnh Đắk Lắk nói chung. Tin rằng, sự đoàn kết, kiên trung, sáng tạo của chính quyền, quân và dân vùng đất anh hùng này sẽ đưa cuộc sống người dân nơi đây ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hiện nay, chính quyền và nhân dân huyện đang rất mong chờ sự đầu tư của cấp trên vào Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12 để tạo thuận lợi hơn cho giao thương hàng hóa, phát triển du lịch, đưa huyện ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.