Buôn Tul có 105 hộ đồng bào M’nông sinh sống. Trước đây, trong buôn có khá nhiều phụ nữ thường xuyên dệt thổ cẩm, nhưng đến nay chỉ còn vài người duy trì nghề truyền thống. Bà H’Lim Niê (tên thường gọi là Mí Slớp) năm nay gần 70 tuổi. Bà được mẹ dạy dệt vải từ lúc 12 tuổi. Những người biết dệt cùng lứa tuổi như bà ở trong buôn giờ đã bỏ nghề vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm dệt ngày càng ít. Còn bà không thể dứt bỏ niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt.
Bà H’Lim cho biết: “Những lúc rảnh rỗi, mình lại ngồi vào dệt. Dệt vải để may áo cho chồng, váy áo cho con, cho cháu. Khi có đứa con, đứa cháu nào sắp lấy chồng, lấy vợ, mình lại dệt để tặng cho chúng. Ai có nhu cầu đến nhà đặt dệt thì mình cũng nhận làm. Tiền công dệt ít lắm, không bằng đi làm những việc khác nhưng vì đam mê nên mình muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. Trong buôn giờ chỉ còn 2 người khác thỉnh thoảng cũng có dệt, nhưng họ chỉ dệt những tấm vải bình thường. Còn dệt mà có họa tiết với những hoa văn và chữ, số trên tấm vải thì họ lại không làm được”.
Còn ở buôn Mnang Dơng, bà Blý (dân tộc M’nông) là một trong số ít phụ nữ giữ được nghề dệt truyền thống. Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm gần 50 năm nay, bà sáng tạo ra những tấm chăn, tấm khăn hay váy, áo với những hoa văn, màu sắc tinh xảo. Hiện nay, dù sức khỏe đã yếu nhưng thỉnh thoảng bà vẫn ngồi vào khung dệt. Bà Blý trăn trở: “Trong buôn trước đây có mấy chục phụ nữ từ già đến trẻ thường xuyên dệt vải. Giờ lớp trẻ hầu như không còn ai theo nghề dệt nữa”.
Buôn Hằng Năm là buôn xa nhất của xã Yang Mao, chủ yếu là dân tộc M’nông. Trước đây trong buôn có rất nhiều phụ nữ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng đến nay chỉ còn duy nhất bà H’Rách Niê (Mí Lê A, dân tộc M’nông) giữ nghề. Ngoài dệt vải phục vụ cho người thân, bà H’Rách còn dệt để bán và trao đổi cho những người có nhu cầu trong buôn và ở các xã trong huyện.
Bà H’Rách chia sẻ: “Vì sức khỏe yếu, không làm được việc nương rẫy nên mình gắn bó với nghề dệt từ khi còn nhỏ. Do sản phẩm của mình dệt ra đẹp, cẩn thận, nhiều hoa văn, họa tiết nên nhiều người đến nhà đặt mình dệt để may khăn, áo, váy. Thỉnh thoảng mình đem một số sản phẩm dệt đi bán ở các xã khác. Cũng có nhiều người mua, có người rất thích nhưng không có tiền, họ đổi bằng heo, bằng gà. Do sợi dệt đắt, công dệt nhiều nên tính ra thu nhập hằng ngày rất thấp. Chỉ khoảng vài triệu đồng một tháng nhưng mình yêu nghề, lại phù hợp với sức khỏe nên mình kiên trì theo nghề dệt thổ cẩm này”.
Việc duy trì nghề dệt truyền thống ở các buôn đồng bào của xã Yang Mao rất khó khăn. Năm 2010 đã có 2 lớp truyền dạy nghề dệt được mở nhưng cho đến nay, cả xã chỉ còn 7 người duy trì nghề. Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng các trang phục được may từ vải dệt truyền thống của người dân ngày một ít đi, sản phẩm làm ra không bán được nên người dân không muốn duy trì.
Ông Ama Phi Líp, Trưởng buôn Ea Chố lo ngại: “Trong buôn có 90 hộ đồng bào M’nông nhưng hiện nay không còn ai giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Lớp trẻ bây giờ hầu như không còn thiết tha với việc mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày nên chúng cũng không còn học dệt nữa. Một số ít người còn sử dụng trang phục truyền thống trong lễ cúng, cưới hỏi, ma chay… khi cần đến váy áo truyền thống thì họ đi mượn hoặc họ mua đồ may sẵn, đồ dệt bằng máy. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở đây chắc sẽ dần bị mai một”.
Trong buôn có 90 hộ đồng bào M’nông nhưng hiện nay không còn ai giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Lớp trẻ bây giờ hầu như không còn thiết tha với việc mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày nên chúng cũng không còn học dệt nữa.”
Ông Ama Phi Líp, Trưởng buôn Ea Chố
TÙNG LÂM