Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Từ tháng 12/2014 đến 30/6/2019 có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách; trong đó 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo; 16.745 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 9.426 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 289 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 125.045 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng…
Chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn liên tục giảm, cuối năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn là 0,45%, đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,13%. Tính đến ngày 30/6/2019 nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH đạt 217,7 tỷ đồng; tăng hơn 98 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh chuyển sang tăng 48 tỷ đồng; cấp huyện chuyển sang tăng 42 tỷ đồng, 100% huyện, thị xã, thành phố chuyển vốn từ ngân sách sang NHCSXH trên địa bàn để cho vay.
Dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Tính đến 30/6/2019 dư nợ cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.651 tỷ đồng, với 160.902 hộ còn dư nợ.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương về một đầu mối quản lý là NHCSXH; chuyển hướng bao cấp cho không sang hỗ trợ có điều kiện thông qua tín dụng.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Đăk Lăk đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 07 cá nhân; NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen cho 06 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khi thực hiện Chỉ thị 40.
TIẾN MẠNH