Tảo hôn và những hệ lụy
Em S.T.S, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông năm nay mới 14 tuổi, còn chồng của S.T.S năm nay cũng mới 16 tuổi. Lấy nhau khi còn quá trẻ, mới đang ở độ tuổi cắp sách tới trường nhưng các em đã phải lo gánh nặng khi sắp làm bố, làm mẹ. Mới 14 tuổi, em S.T.S đã chuẩn bị làm mẹ. Vì còn quá trẻ, chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản nên dù sắp làm mẹ, S vẫn chưa biết bổ sung các chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi. Cùng với đó, là những khó khăn về kinh tế, cuộc sống vất vả, các em cố gắng làm để lo cuộc sống thường ngày.
Trường hợp em S nói trên chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên mỗi năm. Theo kết quả thống kê, từ năm 2015 - 2019, toàn tỉnh Điện Biên có 4.965 cặp tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống là 26 cặp. Lứa tuổi phổ biến trong tảo hôn thường ở độ tuổi 14 - 17 đối với nữ, 16 - 19 tuổi đối với nam; Tỷ lệ tảo hôn tăng, giảm không ổn định.
Tính riêng huyện Điện Biên Đông, tình trạng tảo hôn diễn ra ở nhiều xã, bản vùng cao của huyện. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông, năm 2021 toàn huyện có 187 người tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống; Năm 2022 có 215 trường hợp tảo hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, khiến chất lượng dân số bị suy giảm và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS, miền núi.
Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng tảo hôn không được học hành nên thiếu kiến thức về chăm sóc con cái. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh con trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Trước tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 - 2022, tỉnh đã tổ chức 64 hội nghị tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 64 xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của 10/10 huyện, thị xã, thành phố; thành lập 59 câu lạc bộ truyền thông sức khỏe tại 59 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay với trên 5.200 lượt người tham gia.
Theo ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông: Hiện nay, các hủ tục vẫn đang tồn tại trong tư tưởng của người dân và chưa thể xóa bỏ trong thời gian ngắn. Huyện Điện Biên Đông xác định tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là giải pháp tối ưu. Thời gian qua, Phòng Dân tộc đã chủ trì, phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham gia. Đối tượng tuyên truyền tập trung vào học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện.
Theo Kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, phạm vi thực hiện gồm 65 xã, phường, thị trấn; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường nội trú của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như: Tài liệu hướng dẫn, tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình; về tác hại, hậu quả và các hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tài liệu Hỏi - Đáp pháp luật về hôn nhân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức tuyên truyền thông qua các mô hình, các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; tổ chức cuộc thi giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mục tiêu thông qua cuộc thi, các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên và các hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được minh họa sinh động thông qua các tiểu phẩm giúp người dân, nhất là các em học sinh dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.