Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Đa dạng hình thức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trang Diệp - 14:50, 28/11/2022

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và gắn với nhu cầu thực tiễn, nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân đang được tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Việc đào tạo nghề sẽ góp phần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động.
Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động.

Triển khai nhiều giải pháp

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện nhiều giải pháp, nhằm tạo cơ hội và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nông thôn như: Tăng cường tư vấn - giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề - tạo việc hay mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về việc làm…

Bên cạnh đó, Sở cũng đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động giữa đơn vị đào tạo và nhà tuyển dụng. Kết quả, hàng chục nghìn lao động phổ thông đã được giải quyết việc làm thông qua các chương trình tuyển dụng, kết nối. Trong đó, có lượng lớn lao động được làm việc trong những môi trường thuận lợi tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian qua, phía Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm đầy đủ thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học, sao cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Thông qua các lớp đào tạo, lao động đã biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Nhờ bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên, mà địa phương đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cụ thể, năm 2021, Điện Biên đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 8.185 lao động, đạt 101,06% so với kế hoạch tỉnh giao và tăng 1,61% so với năm 2020. Trong đó có khoảng 4.800 lao động nông thôn được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo duy trì được việc làm ổn định đạt trên 75%. Những kết quả đó, đã góp phần rất tích cực vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.

Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định ở tỉnh đạt khoảng 80%. Qua đó, giúp người lao động có thể tiếp cận được với các công việc đòi hỏi tay nghề cao để có thu nhập ổn định hơn.

Người lao động tin tưởng
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên cho hay, với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã và đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.100 lao động nông thôn.

Ông Lò Văn Khụt (trú tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên) đã tham gia khóa đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt trong ao hồ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên tổ chức từ 2 năm trước. Với những kiến thức đã được học, cộng thêm sự chịu khó tìm tòi học hỏi, ông đã tạo dựng được một ao cá rộng khoảng 1.500m2. Ao cá này của gia đình đã cho thu hoạch 3 vụ cá, mỗi vụ thu hơn 2 tấn (trừ chi phí, gia đình cũng có khoảng 120 triệu đồng/năm).

Tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động.
Tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội và nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông thông tin: Từ năm 2020 đến nay, huyện đã mở 36 lớp đào tạo nghề cho gần 1.260 lao động nông thôn. Thông qua các khóa đào tạo, người lao động tại địa phương được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung; Biết vận dụng kiến thức đã học vào việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. 

Đặc biệt, một số hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao. Nhiều lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã và có nguồn thu nhập ổn định.Trường hợp của gia đình ông Lầu Chờ Dế (trú tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông), là một trong những ví dụ điển hình cho việc thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế. 

Theo ông Dế, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò, gia đình đã vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Thay vì thả rông trong rừng hàng tháng trời, ông đã làm chuồng để nuôi nhốt nhằm bảo vệ đàn gia súc, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của vật nuôi. Khi phát hiện trâu bò bị ốm hay mắc bệnh, ông chủ động mua thuốc về điều trị, bổ sung thêm thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho chúng. Nhờ việc chăn nuôi khoa học, đàn trâu, bò của gia đình sinh trưởng và phát triển ổn định, tạo nguồn thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.