Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên 5.870km2, trong đó vùng núi cao chiếm trên 50%, còn lại là vùng núi thấp và trung du, nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động ở Tuyên Quang đã tích cực được triển khai, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000 đến 10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhiều ngành nghề có sức hút đối với học viên, ra trường có tỷ lệ xin được việc cao, như: Vận hành máy thi công nền, công nghệ ô tô, xây dựng…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 6.962 người, đạt 87% kế hoạch, trong đó trình độ đại học 110 người, trung cấp 971 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.881 người. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Nhờ đó từng bước nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn để có sự lựa chọn phù hợp, đúng với nhu cầu xã hội đang cần...
Ông Nhữ Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, nhờ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng, tỷ lệ học viên, sinh viên ra trường có việc làm ngày càng tăng, đạt hơn 85%. Mức thu nhập của học viên, sinh viên sau khi ra trường làm việc tại tỉnh, đạt trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, làm việc ngoài tỉnh đạt từ 7 đến 12 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, em Hoàng Thế Tào (sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang) vui vẻ nói: “Để tăng cơ hội có việc làm sau khi ra trường, em đã lựa chọn ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao là công nghệ ô tô. Quá trình học tập, nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy của giáo viên ngày càng được nâng cao. Hy vọng sau khi ra trường, em cũng như nhiều sinh viên khác có thể lựa chọn được công việc phù hợp, có mức thu nhập ổn định để trợ giúp gia đình về kinh tế”.
Có thể nói, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Lãnh đạo các trường phải có tư duy kinh tế thị trường
Nếu như trước đây, tư duy của nhiều người Việt rất coi trọng bằng cấp, thì hiện nay điều này cũng đang dần thay đổi. Thực tế cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên chọn giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng lên, các em không còn xem đại học là con đường duy nhất.
Bên cạnh đó hệ thống chính sách về giáo dục nghề nghiệp cũng khá rõ ràng khi có Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Việc thu hút người lao động trong doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề, thích ứng yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới trong sản xuất ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh.
Tuy vậy, yếu tố đóng vai trò then chốt nhằm thu hút học viên vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là cơ hội việc làm và thu nhập sau đào tạo.
Theo TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), trong cơ chế hiện nay, lãnh đạo các trường nghề cần phải có tư duy kinh tế thị trường. Nếu chỉ có tư duy và kiến thức thuần túy là giáo dục, mà không gắn kinh tế thị trường, rất dễ bị lạc hậu. Khi có tư duy thị trường, chúng ta phải tổ chức, thiết kế chương trình đào tạo gắn kết với nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Hơn nữa cần chú trọng tới yếu tố kỹ năng. Kỹ năng ở đây phải đến từ hai phía. Một là từ nhà trường, thầy cô giáo phải trang bị kỹ năng để kết nối doanh nghiệp. Điều đó không phải ngày một ngày hai mà làm được, cần phải có quá trình trau dồi.
Ở chiều ngược lại, khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối, doanh nghiệp trở thành nhà trường thứ hai. Nhưng không phải cán bộ kỹ thuật nào trong doanh nghiệp cũng có thể dạy học. Do đó, chúng ta phải trang bị cho họ kiến thức về sư phạm để họ có thể truyền tải những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mình có cho người học. Từ đó, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu tất yếu của thị trường.
Về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp và đơn vị tuyển dụng, thời gian qua đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với doanh nghiệp ở cấp trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.