Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: “Bão” tín dụng đen "quét" về vùng cao

Vũ Lợi - 18:16, 18/03/2021

Vài năm gần đây, “bão” tín dụng đen không chỉ hoạt động ở khu vực đô thị, thành phố mà còn "ngược ngàn", càn quét vào những bản làng vùng cao của tỉnh Điện Biên. Tín dụng đen đã khiến nhiều người dân nghèo rơi vào tình cảnh khốn đốn mất đất, mất nhà, tính mạng bị đe dọa...

Một đối tượng cùng hung khí phục vụ hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.
Một đối tượng cùng hung khí phục vụ hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.

Vay dễ - trả khó

Câu chuyện về những hoàn cảnh éo le được anh Lò Văn Công, Trưởng bản Na Hát, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) kể với chúng tôi đã dần “vén màn” bức tranh tối liên quan đến  tín dụng đen đã làm lao đao cuộc sống của những người dân nghèo, nhẹ dạ. Dù các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo vẫn được triển khai tốt, song tại bản Na Hát nhiều năm qua vẫn có một số hộ dân vay vốn bên ngoài để trang trải cuộc sống. 

Với số tiền vay từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, song lãi suất thì "cắt cổ" từ 50 - 70%. Nhiều hộ nghèo không có khả năng chi trả đã bị siết nợ bằng những thứ có giá trị của gia đình, như nhà ở hoặc đất sản xuất.

“Phần vì nghèo, nhưng cái chính là vay dễ, nhanh gọn để chi tiêu gia đình, như mua xe, ốm đau, làm ma chay, cỗ cưới… Số tiền vay từ vài triệu, đến vài trăm triệu đồng. Vì ở vùng cao, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây lúa nên khi đến hạn trả, người dân phải mất thêm tài sản do “lãi mẹ đẻ lãi con”. Đến hẹn đối tượng cho vay đến nhà đòi nợ và thường tạo cho người vay áp lực rất lớn…”, anh Công trải lòng.

Anh Công bảo, người dân xã nhà, cũng như ở các xã lân cận như Luân Giói, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Háng Lìa… hầu như ai cũng biết Trì “cá” - người chuyên thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi. 

Trong căn nhà mới dựng lại của con trai ở bản Bánh (xã Mường Luân), bà L.T.B ngậm ngùi tâm sự: "Nhà có việc lớn cần tiền, nên khi nghe người ta chỉ ra chỗ ông Trì vay dễ, tôi liền ra vay. Vì số tiền lớn nên tôi phải thế chấp nhà. 1 năm trôi qua, chỉ quẩn quanh với cây lúa, con gà làm gì có tiền tích góp đâu. Tiền vay thì lo việc hết rồi. Bị thúc đòi nợ quá, tôi sợ nên đành phải gán nhà, dựng lán để ở. Đợt vừa rồi mưa gió, lán dột phải sang nhà con trai ở nhờ”.

Một góc bản nghèo xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông)- nơi có những hộ nghèo rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nạn tín dụng đen.
Một góc bản nghèo xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông)- nơi có những hộ nghèo rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nạn tín dụng đen.

Quyết liệt trấn áp nạn tín dụng đen

Theo Công an tỉnh Điện Biên, Trì “cá” tên thật là Nguyễn Thế Trì (SN 1974), trú tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Đây là đối tượng có điều kiện về kinh tế, không đăng ký kinh doanh, nhưng tự đứng ra cho một số người dân trên địa bàn xã Mường Luân và các xã lân cận vay tiền với lãi suất cao, từ 104 – 189%/năm. Nhiều trường hợp thế chấp sổ đỏ vay tiền của Trì, sau do lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ phải chuyển nhượng sổ đỏ cho đối tượng này.

Sau một thời gian nắm bắt thông tin, Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá hoạt động “tín dụng đen” của Nguyễn Thế Trì. Vào giữa tháng 12/2020, lực lượng Công an tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở của Trì, đồng thời thu giữ nhiều vật dụng, tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Thống kê, từ năm 2019 đến đầu tháng 3/2021, Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ,13 đối tượng về các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Ngoài ra, một số nhóm đối tượng từ các tỉnh, thành (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng…) cũng tìm cách móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn, nhằm thực hiện các hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm gần đây, các loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh Điện Biên không ngừng gia tăng. Nhiều đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh này để thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay nặng lãi, cầm đồ. Lãi suất cho vay chủ yếu tự thỏa thuận, không thể hiện trên giấy tờ. Đây là một trong những mánh khóe để các đối tượng lách luật khi lực lượng chức năng đến kiểm tra. 

Theo Thượng tá Thắng: Nạn nhân của “tín dụng đen” chủ yếu là thanh thiếu niên không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, tham gia cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện ma túy… do không có tiền phải đi vay “nóng” để tiêu xài với lãi suất cao. Bên cạnh đó, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết, không có tài sản thế chấp nên bị các đối tượng chèn ép, thu lãi cao gấp nhiều lần so với quy định.

Đa số các nạn nhân bị đe dọa, sợ bị trả thù không dám tố giác. Một số không hợp tác với cơ quan chức năng dẫn đến công tác điều tra, xử lý tội phạm này chưa cao, tội phạm tiềm ẩn còn nhiều.

Tuy nhiên, với quyết tâm không để địa bàn trở thành điểm nóng của loại hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, lực lượng Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp trấn áp mạnh. Lực lượng Công an, khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia vào hoạt động cho vay nặng lãi để tránh tiền mất, tật mang; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.