Theo đó, Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk cùng với các cấp Hội cơ sở triển khai nhiều biện pháp như, lồng ghép các buổi truyền thông nói không với “tín dụng đen” trong các buổi sinh hoạt thường kỳ để chị em hiểu rõ thủ đoạn, mối nguy hại và những hệ lụy từ hoạt động tín dụng đen; tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, diễn đàn để thông tin đến hội viên, phụ nữ về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, hướng dẫn tiếp cận vốn vay qua các quỹ tín dụng của Nhà nước, các nguồn vốn do Hội quản lý.
Từ đầu năm 2019, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk đã phát động đợt vận động “Phụ nữ Đăk Lăk nói không với tín dụng đen ”. Theo đó, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong hội viên, phụ nữ về phương thức hoạt động, hậu quả của “tín dụng đen”; vận động hội viên, phụ nữ thực hiện “3 không” không cho vay nặng lãi, không vay tiền của các tổ chức, cá nhân chưa được Nhà nước cấp phép, không thực hiện các hành vi quảng bá, giới thiệu, phát, dán tờ rơi về các hoạt động cho vay lãi suất cao…
Song song với công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ các cấp cơ sở cũng tập trung khai thác nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; các gói sản phẩm ưu đãi của Ngân hàng thương mại; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai xây dựng các nguồn quỹ tại chỗ thông qua các phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo”… nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Theo chị Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk: Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội LHPN các cấp và chi hội trực thuộc đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm... về các vụ việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, lừa đảo vay tiền lãi suất cao cho gần 23.600 phụ nữ; phát hành 15.000 tờ rơi thông tin tuyên truyền “Phụ nữ Đăk Lăk nói không với tín dụng đen”.
Huy động, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 345 hội viên, với số tiền trên 3,3 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 52.207 lượt hộ hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 1.451 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng SeABank cho 4.280 phụ nữ vay vốn với số tiền 114 tỷ đồng; thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Các cấp hội chủ động phối hợp tổ chức 24 lớp tập huấn, 22 buổi hội thảo, thăm quan mô hình giúp phụ nữ ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mở 5 lớp đào tạo nghề cho 183 hội viên, giới thiệu việc làm cho 31 chị.
Tại Hội thảo “Tăng cường các giải pháp tín dụng cho phụ nữ góp phần đẩy lùi tín dụng đen” vừa được tổ chức tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều ngân hàng, trong đó nổi bật là chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT.
Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2019, tổng dư nợ hoạt động ủy thác và tín chấp với các ngân hàng do Hội quản lý là 94,4 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,8 triệu hộ vay. Trong đó, tỉnh Đăk Lăk có tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng.
LÊ HƯỜNG