Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Điểm nghẽn trong phục dựng lễ hội

Hồng Minh - 10:53, 12/04/2021

Câu chuyện thiếu kinh phí để bảo tồn, phục dựng lễ hội không mới, bởi trên thực tế bao năm qua, vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều nhưng hầu như vẫn chưa có được một giải pháp thỏa đáng. Trong khi đó, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc “xóa sổ”, việc bảo tồn, phục dựng đang là yêu cầu bắt buộc.

Việc phục dựng lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Nghi lễ cúng thần Rừng đầu nguồn của dân tộc Mông đến từ huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang được tái hiện)
Việc phục dựng lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Nghi lễ cúng thần Rừng đầu nguồn của dân tộc Mông huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang )

Nan giải kinh phí phục dựng

Theo chia sẻ của Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian dân tộcThái- Lương Thị Đại, trước kia, lễ hội Xên Mường- Mường Thanh, tỉnh Điện Biên được tổ chức thường xuyên vào tháng 3, tháng 4 âm lịch. Nhưng theo thời gian, Lễ hội Xên Mường- Mường Thanh dần bị lãng quên. Cho đến khoảng chục năm trở lại đây, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức phục dựng lễ hội Xên bản tại một số bản văn hóa, song chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của một bản, mà không quy tụ người dân toàn vùng như Xên Mường ngày trước. Ở các dân tộc khác, lễ hội truyền thống cũng dần mai một, thậm chí có nguy cơ mất hẳn.

Còn vài năm gần đây, khi Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 được triển khai, tỉnh Điện Biên được hỗ trợ 100 đến 200 triệu đồng/năm để tổ chức, phục dựng trình diễn lễ hội. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm chỉ tổ chức được 1-2 lễ hội.

Ông Đặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết: Theo thời gian, đội ngũ nghệ nhân am hiểu về văn hóa dân tộc ngày một ít, vì thế việc bảo tồn phục dựng các lễ hội truyền thống là điều vô cùng quan trọng. Thế nhưng, phục dựng được hay không, là do yếu tố kinh phí quyết định rất lớn. Kinh phí để hỗ trợ đồng bào mua đạo cụ, trang phục dân tộc để tiến hành nghi lễ; hỗ các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho lớp trẻ các nghi thức hành lễ, các điệu múa, bài hát dân gian có sử dụng trong lễ hội… Đồng thời, nguồn kinh phí hạn hẹp sẽ chỉ tổ chức lễ hội ở quy mô nhỏ.

Còn tại tỉnh Hà Giang, câu chuyện thiếu kinh phí để phục dựng, tổ chức lễ hội cũng không tránh khỏi khi “tài sản” các lễ hội vô cùng phong phú, nhưng số lượng lễ hội sống được trong đời sống hằng ngày, thì lại rất khiêm tốn.

Hiện nay, Hà Giang có khoảng gần 60 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Nhưng, thực tế chỉ phục dựng được gần 20 nghi lễ và lễ hội truyền thống như: Lễ Cấp sắc, Nhảy lửa của dân tộc Dao, Lễ Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ cúng bản của dân tộc Bố Y, Nghi lễ cúng rừng của dân tộc Phù Lá, Lễ cúng cơm mới của dân tộc La Chí, Múa trống của đồng bào dân tộc Giáy…

Với thực tế trên, có thể thấy, nguồn kinh phí để tổ chức, phục dựng lễ hội chính là một trong những yếu tố quyết định.Điều này đã được chứng minh không chỉ ở Điện Biên hay Hà Giang mà có lẽ còn ở nhiều bản làng khác.

Đừng để cái đẹp chỉ sống trong hoài niệm 

Việc kinh phí hạn hẹp tác động đến công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội đã được các cơ quan quản lý nhìn ra từ lâu. Nói đi thì cũng nói lại, nguồn kinh phí tuy hạn hẹp nhưng còn hơn là không có.

Nguồn kinh phí quyết định đến quy mô, thời gian, số lượng người tham gia…khi phục dựng lễ hội (Trong ảnh: tái hiện nghi thức Mừng lúa mới đồng bào dân tộc Ba Na huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai)
Nguồn kinh phí quyết định đến quy mô, thời gian, số lượng người tham gia…khi phục dựng lễ hội (Trong ảnh: Tái hiện nghi thức Mừng lúa mới đồng bào dân tộc Ba Na huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai)

Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số để phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống dân tộc Stiêng tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống dân tộc Gia Rai, tỉnh Kon Tum. Đây là tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.

Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới, tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc. Hoạt động này, cũng góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

Trong quá trình triển khai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý rằng, các lễ hội phục dựng phải được diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc, thế nhưng vẫn còn nhiều lễ hội chưa được "sống dậy" cùng đồng bào hay vẫn còn đang trong ký ức của những bậc cao niên. Câu hỏi đặt ra lúc này chính là, đến bao giờ, câu chuyện kinh phí mới không còn là yếu tố quyết định. Thiết nghĩ, nếu không phục dựng lễ hội vào lúc này, thì liệu trong tương lai những nghệ nhân, những già làng hiểu về lễ hội còn sống để thực hành lễ hội hay không?.

Hi vọng rằng, trong thời gian tới, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 triển khai thực hiện, thì những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được quan tâm, đầu tư đúng mức. Cùng với đó là những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc cũng sẽ được sống cùng thời gian.


Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.