Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ hội Kâm bui của làng Ba Rgok

Trần Lâm - 19:01, 06/02/2021

Mới đây (từ ngày 17-19/1/2021), sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí phục dựng lễ hội truyền thống theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND huyện Sa Thầy và Đảng ủy, UBND xã Sa Sơn đã tổ chức phục dựng Lễ cúng nhà rông và Lễ Kâm bul theo đúng nghi thức truyền thống.

Dân làng Ba Rgók múa xoang vui hội
Dân làng Ba Rgók múa xoang vui hội

Lễ Kâm bul hay còn gọi là Lễ cầu an là lễ hội truyền thống lâu đời của người Gia Rai nhánh A Rap ở làng Ba Rgốk, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum), nhằm xua đuổi những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng, với ước vọng cầu thần linh phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu và thường được tổ chức vào tháng 12 (âm lịch) khi cây lau sậy trên rừng đã trổ bông.

Để tổ chức lễ Kâm bul, dân làng phải tập trung tổng vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, cây cỏ, rào lại làng và cùng chuẩn bị một con heo, một ché rượu cần lớn để cúng Yang. Đồng thời, mỗi gia đình tự chuẩn bị một ghè rượu cần nhỏ và chờ ngày già làng ấn định ngày tổ chức lễ.

Sau khi đã chọn được ngày tốt, từ mờ sáng, già làng phân công các tốp thanh niên canh giữ các đường dẫn vào làng, không cho người lạ, người làng khác vào làng. Sau đó, già làng dẫn đoàn thanh niên khoảng 10 người đi về phía rừng cao Chư Mom Ray để làm lễ và lấy đủ 3 bó bông lau đem về nhà rông.

Đàn ông trong làng đang miệt mài đan hình nộm Kâm bul
Đàn ông trong làng đang miệt mài đan hình nộm Kâm bul

Những người lớn tuổi đều tập trung ở nhà rông dùng mây, tre đan 3 hình nộm gồm một đàn ông một phụ nữ, một trẻ em; chuẩn bị thanh đao, cây kiếm gỗ, cung nỏ, hlut pao (cây nêu lễ trong nhà rông), một ché rượu lớn buột vào cây nêu, làm thịt heo, gà để làm lễ và chế biến thành các món ăn phục vụ phần hội. Dân làng đều tập trung đông đủ ở nhà rông để phụ giúp nhau công việc chuẩn bị lễ hội.

Gia làng A Sứp bôi máu heo lên Bul tại nhà rông
Gia làng A Sứp bôi máu heo lên Bul tại nhà rông

Khi đưa bông lau về nhà rông, dưới sự chỉ dẫn của già làng, những người lớn tuổi dùng bông lau kết thành 3 hình nộm, mang dao cầm nỏ và đưa về nhà rông. Già làng thắp lên ngọn đèn sáp đính trên cây nêu và bắt đầu cầu khấn với nội dung thông báo dân làng đã tập trung về đông đủ để dâng lễ vật lên thần linh, cầu thần linh phù hộ cho bà con trong làng luôn được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi; mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu, nhà nhà làm ăn phát đạt…

Một nghi thức truyền thống trong lễ Kâm bul
Một nghi thức truyền thống trong lễ Kâm bul

Dứt lời khấn của già làng, những người già trong làng đều quây quanh cây nêu để cầu xin thần linh phù hộ những điều tốt đẹp. Sau đó già làng lấy gan, huyết heo, gà thoa lên 3 hình nộm, cung nỏ, giáo mác rồi đưa giáo mác, cung nỏ cho trẻ em tản đi đến các ngõ ngách trong làng, đập vào các bụi cây rậm để xua đuổi các tà ma, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng.

Khi đi hết các ngõ ngách từ đầu làng đến cuối làng, những người lớn tuổi sẽ đưa hình nộm người đàn ông canh giữ ở cổng đầu làng, hình nộm người phụ nữ treo giữ ở nhà rông và hình nộm em bé cắm ở cuối làng. Dân làng bắt đầu làm lễ kiêng 3 ngày không được tiếp khách. Sau lễ kiêng, dân làng mới triển khai các công việc đồng áng, phát rẫy, sửa máng nước, làm lễ cầu mưa.

Trẻ em trong làng tham gia xua đuổi tà ma, xui xẻo ra khỏi làng
Trẻ em trong làng tham gia xua đuổi tà ma, xui xẻo ra khỏi làng
Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.