Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phục dựng lễ hội của các DTTS: Cần giữ được những giá trị vốn có

Hồng Phúc - 15:06, 18/02/2020

Bảo tồn giá trị của lễ hội là câu chuyện không riêng của dân tộc nào, đồng thời cũng không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước. Để trả lễ hội về đúng ý nghĩa vốn có của nó, cần có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược, cách thức thực hiện từ các cơ quan chức năng cho đến điều chỉnh trong mỗi cá nhân - chủ thể của lễ hội sẽ khai thác hiệu quả, giúp lễ hội ngày càng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến nay, cả nước có 301 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có hơn 100 lễ hội truyền thống. Đây là tài sản vô cùng phong phú của 54 dân tộc anh em, mỗi lễ hội mang những nét văn hoá độc đáo, đặc trưng riêng của từng dân tộc. 

Đáng chú ý, nhiều lễ hội đặc sắc của các DTTS không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được quốc tế biết đến như: Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Xoè Chiêng của người Thái, … Các lễ hội của đồng bào DTTS giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hoá của mỗi dân tộc, đồng thời thu hút khách du lịch đến với mỗi miền đất. 

Tuy nhiên, theo thời gian, không ít lễ hội dần bị mai một, thất truyền. Các nghệ Nhân dân gian có những hiểu biết đầy đủ về lễ hội đã ít, ngày càng già yếu, các nghệ nhân mất đi sẽ khó tìm được người truyền những kinh nghiệm, hiểu biết... cho con cháu dẫn đến việc thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hoá truyền thống. Ngoài ra, “tài nguyên tinh thần” này còn phải đối diện với nguy cơ bị xâm lấn bởi nhiều văn hoá mới, hình thức, nội dung của nhiều lễ hội lộ ra tính chất thương mại hóa dẫn đến nguy cơ nhiều lễ hội bị thất truyền hoặc biến dạng. 

Trình diễn điệu tiếng chiêng, điệu xoang trong lễ hội cơm mới của người Jrai
Trình diễn điệu tiếng chiêng, điệu xoang trong lễ hội cơm mới của người Jrai

Điển hình là lễ hội cầu mưa của người Thái ở Mường Sang, Mộc Châu (Sơn La), dù được duy trì nhiều năm nay nhưng lễ hội này đang bị mai một dần đi. Khi tổ chức năm 2019, ở phần lễ, địa phương này không có thầy cúng mà phải đi mời thầy cúng ở xã khác; phần “hội” được rút ngắn, không xuất hiện các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, đập mõ trâu,…

Bảo tồn giá trị của lễ hội là câu chuyện không riêng của dân tộc nào, đồng thời cũng không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, công tác quản lý và thực hành lễ hội với ý nghĩa như một di sản văn hóa truyền thống, đòi hỏi tuân thủ một nguyên tắc phổ quát là phải đồng bộ giữa bốn việc: nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông. Chúng ta cần phải hiểu mới có thể thẩm định xem những gì cần bảo lưu, bảo tồn và những gì cần thay đổi để đẹp hơn, nhân văn hơn, thậm chí, cần nghiêm khắc loại bỏ những gì không còn phù hợp. 

Muốn xóa bỏ tận gốc những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội, cần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, đối tượng thực hành lễ hội. Giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài không gì khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Những điều chỉnh kịp thời về chiến lược, cách thức thực hiện từ các cơ quan chức năng cho đến điều chỉnh trong mỗi cá nhân - chủ thể của lễ hội sẽ khai thác hiệu quả, giúp lễ hội ngày càng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.

Được biết, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 458/BVHTTDL-VHDT về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng lễ hội các DTTS thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 -2020 theo Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu trong quá trình phục dựng lễ hội là phải tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào DTTS.

Trong năm 2020, Bộ VHTTDL lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các DTTS cần được phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình (Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống dân tộc Jrai, tỉnh Kon Tum.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.