Phát huy các phong trào tại cơ sở
Được thành lập từ năm 2014, với mục đích khôi phục, bảo tồn và truyền dạy những làn điệu dân ca truyền thống của người Pa Cô cho thế hệ con cháu, các thành viên trong CLB luôn tích cực tập luyện, giao lưu mỗi khi có cơ hội. Từ khi được thành lập đến nay, cứ vào 5h chiều hằng ngày, tại không gian sân Ủy ban Nhân dân xã Hồng Kim lại rộn ràng tiếng hát của các thành viên trong CLB dân ca dân gian Hồng Kim.
Chị Hồ Thị Loan, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hồng Kim, đồng thời cũng là thành viên của CLB cho biết, hiện nay CLB có 21 thành viên, tất cả đều tâm huyết, nhiệt tình. Sau khi thành lập được 1 năm, năm 2015 CLB được sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân xã Hồng Kim và Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới tổ chức lớp truyền dạy dân ca cho bà con trong xã. Lớp học đã thu hút 15 học viên, do 6 nghệ nhân trong CLB trực tiếp truyền dạy. Thông qua lớp học, nhiều cá nhân có năng khiếu đã được phát hiện và trở thành đội ngũ nòng cốt của huyện trong phong trào văn hóa văn nghệ.
Cũng như xã Hồng Kim, trong khuôn viên nhà Gươl truyền thống tại xã Hồng Hạ, những bộ nhạc cụ, các vật dụng truyền thống được trưng bày tạo nên bản sắc riêng nổi bật. Tại đây, cứ vào mỗi dịp Lễ, Tết mọi người lại tụ hội về đây trong trang phục dân tộc truyền thống để biểu diễn các điệu múa, lời hát truyền thống.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm, hiện tại phong trào văn hóa dân gian đang được phát huy mạnh mẽ ở các làng, thôn, tổ dân phố của huyện. Tiêu biểu là các CLB văn nghệ dân gian làng Pa Hy, xã Hồng Hạ; làng Việt Tiến, xã Hồng Kim; làng du lịch văn hóa cộng đồng A Hưa, xã Nhâm; làng Aka-Achi, xã A Roàng... Đây là những địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng phục vụ du khách đến thăm quan du lịch.
Tập trung nguồn lực để bảo tồn
Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện A Lưới đã tập trung mọi nguồn lực vào công tác bảo tồn. Đến nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào như Ariêu Caar (Lễ hội đoàn kết giữa các làng), Ariêu Piing (Lễ cải táng), Ariêu Aza (Tết truyền thống, mừng lúa mới) đã được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS đã được sưu tầm, bảo tồn, phát huy.
Không chỉ vậy, huyện còn duy trì được lớp học ngôn ngữ Pa Cô, Tà-ôi cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, bộ đội, công an, biên phòng; xây dựng và thực hiện hiệu quả đề tài dịch 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, hát về quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô để bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc cho thế hệ trẻ.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, huyện A Lưới đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% xã có nhà văn hóa truyền thống kết hợp hiện đại (Moong, Roong, Gươl). Trên cơ sở đó, huyện sẽ chọn 3 xã để tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống: bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; 100% xã DTTS bảo tồn, giữ gìn và phát huy các kiến trúc nhà mồ truyền thống. 100% xã DTTS sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các sản phẩm văn hóa vật thể tại nhà văn hóa truyền thống địa phương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, hiến tặng hiện vật và các loại công cụ lao động…
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Địa phương đang huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào các DTTS. Huyện tích cực vận động 100% đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội; tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca, dân vũ, truyện cổ... của các DTTS. Có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các thôn, bản trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá và tổ chức các lễ hội của đồng bào theo định kỳ để trở thành các sản phẩm du lịch của địa phương”.
HỒNG MINH