Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đề án giảm thiểu tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống ở Hà Giang: Các mô hình điểm phát huy tác dụng

PV - 16:14, 18/05/2018

Thực hiện, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020”, tỉnh Hà Giang đã chọn xã Chí Cà, huyện Xín Mần và Trường nội trú THCS-THPT huyện Yên Minh thực hiện điểm. Đến nay, mô hình đã bước đầu phát huy tác dụng.

Tài liệu truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản về với phụ nữ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh MH Tài liệu truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản về với phụ nữ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh MH

 

Chí Cà là xã biên giới, nơi sinh sống của đồng bào Mông, La Chí, Nùng, Tày. Trước đây, tình trạng tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến, năm nào cũng có từ 10 đến 20 cặp tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống. Từ thực tế đó, xã Chí Cà đã triển khai nghiêm túc kế hoạch hoạt động của đề án nhằm giảm tình trạng này. Chủ tịch UBND xã Chí Cà Nguyễn Minh Công cho biết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, trong tất cả các cuộc họp thôn, chi bộ, các buổi sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể đều lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống. Xã thành lập 11 câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống ở tất cả các thôn và trường học với 6 tuyên truyền viên, sinh hoạt đều đặn.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có tác động tích cực, từ người cao tuổi đến thanh niên, từ đó đã có sự thay đổi trong nhận thức về tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống rõ rệt. Anh Vàng Văn Kim, thôn Chí Cà Hạ cho biết: “Trước đây, mình không quan tâm lắm đến vấn đề này. Nghĩ đơn giản, con cái không học cao, thì cho lấy vợ sớm để có con dâu giúp làm việc nhà, con gái gả chồng sớm để chọn được người chồng tốt. Giờ được tuyên truyền nhiều, cho nên mình hiểu những tác hại để con cái lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi. Từ nay về sau, con trai và con gái mình chắc chắn phải đủ tuổi mới được lấy chồng, cưới vợ”.

Tại Trường nội trú THCS-THPT huyện Yên Minh, mỗi lớp có một câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” do giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc cán bộ lớp phụ trách. Các câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn theo các chủ đề như: Thế nào là tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống; diễn đàn học sinh với vấn đề tảo hôn; thanh niên với sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ngoài ra, hằng năm, trường tổ chức các hội thi về vấn đề tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống nhằm giúp học sinh có thêm trải nghiệm thực tế; đồng thời ký cam kết không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình giữa bốn bên: Ban giám hiệu-giáo viên chủ nhiệm-học sinh-gia đình.

Phó Hiệu trưởng Trường nội trú THCS-THPT huyện Yên Minh Vàng Văn Tuyên cho biết: “Từ khi thực hiện đề án, công tác phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm học. Do đó, mấy năm gần đây, trường không có tình trạng học sinh bị bố mẹ ép bỏ học về nhà lấy chồng, lấy vợ. Không những thế, học sinh có thêm nhiều kỹ năng tự vệ trước nguy cơ này và trở thành những tuyên truyền viên nhỏ tích cực để thay đổi những hủ tục trong hôn nhân khi về gia đình và cộng đồng dân cư”.

Ông Đặng Đình Nhiêu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, qua hơn hai năm triển khai đề án, xã Chí Cà và Trường nội trú THCS-THPT huyện Yên Minh trở thành điểm sáng trong việc nâng cao nhận thức và làm giảm đáng kể tình trạng tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống. Thông qua việc thực hiện các nội dung của đề án đã có tác động tích cực đến thái độ, hành vi chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm, sát sao hơn trong công tác chỉ đạo phòng, chống tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống. Đây cũng sẽ là cơ sở để Hà Giang nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.