Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đề án cấp bò cho người Ơ Đu (Nghệ An): Còn đó những chuyện buồn

Việt Thắng - Khánh An - 10:59, 14/05/2023

124/304 con bò được cấp trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), đã bị đem bán hoặc bị chết; Nhiều khu chuồng trại được xây dựng hàng trăm triệu đồng cũng bị tháo dỡ, cùng với đó là 6 cán bộ phải vào vòng lao lý... là những chuyện buồn diễn ra ở địa phương này.

Mái tôn chuồng bò cũng bị tháo dỡ đem bán
Mái tôn chuồng bò đã bị tháo dỡ đem bán

Không còn bò, chuồng trại cũng bị tháo dỡ

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân tộc Ơ Đu được đầu tư kinh phí lên đến 28,5 tỷ đồng, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người Ơ Đu. Theo đó, năm 2020, đã xây 67 chuồng bò cho bà con ở bản Văng Môn, với kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng, đồng thời cấp 304 con bò cho 77 hộ dân, với giá 15 triệu đồng/con.

Những kỳ vọng lớn về đề án, nhằm góp phần thay đổi đời sống cho bà con đã không còn được nói đến nhiều nữa, khi mà gần một nửa số bò đã không còn, nhiều gia đình tháo dỡ chuồng trại… đem bán.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc Nghệ An, đến nay chưa đầy 3 năm, đàn bò chỉ còn 180 con, còn 124 con đã được người dân đem bán hoặc bị chết do dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Lo Văn Quỳnh ở bản Văng Môn không hề giấu giếm: Nhà tôi được Đề án cấp 4 con bò. Nhưng do cuộc sống khó khăn nên tôi đã bán đi 2 con để lấy tiền trang trải. Tương tự, ông Lo Văn Tuấn, cũng được cấp 4 con bò, nhưng ngay từ năm 2020, ông này đã bán đi 3 con.

 Hai hộ gia đình khác là ông Lương Văn Tứ và Lương Văn Khái, cũng được cấp mỗi hộ 4 con bò, kiểm tra thì mỗi hộ chỉ còn 1 con. “Nó chết vì bị dịch bệnh” - đó là trả lời của hai ông Tứ và Khái.

Cũng theo các hộ trên, bò được cấp với giá 15 triệu đồng/con nhưng họ chỉ bán với giá từ 5 - 7 triệu đồng/con.

Một hộ dân khác còn đưa ra “cãi lý” với chúng tôi, khi trong chuồng không có con bò nào: “Bò nuôi nhốt nhưng vì không có cỏ cho nó ăn nên phải thả rông vào rừng rồi”.

Tìm hiểu về nguyên nhân bà con bán bò hoặc bò bị dịch bệnh, chết nhiều, chúng tôi được ông Lo Xuân Tình, Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, lý giải: Giống bò được mua từ các huyện miền xuôi mang lên nên không phù hợp với địa hình và khí hậu của vùng này, khiến bò bị bệnh và chết. Cách chăn nuôi của người miền núi chỉ dựa vào cỏ, bò không được bổ sung thêm cám và các chất đạm khác, khí hậu cũng rất lạnh vào mùa Đông nên bò kém phát triển.

Cùng nhận định như ông Tình, ông Lô Văn Viên, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Nga My, cho rằng, mỗi gia đình được nhận một lúc 4 con bò là quá nhiều, trong khi nguồn thức ăn không đáp ứng đủ khiến bò bị nhanh sụt cân. Thấy bò sụt cân, gầy, sợ bò chết nên người dân đã phải bán đi.

Bò không còn, nhiều hộ dân đã tháo dỡ mái tôn đem bán hoặc sử dụng vào việc khác. Trong lúc đó, mỗi chuồng bò được đầu tư xây dựng cả trăm triệu đồng, tường gạch xây, mái lợp tôn, có rèm cuốn che chắn…

Theo chính quyền xã Nga My, hiện có 5 hộ tháo dỡ mái và khung chuồng bò đem bán, 8 chuồng bò khác thì đang bỏ hoang.

Chuồng bò thành kho chứa gỗ vì bò đã bị bán
Chuồng bò thành kho chứa gỗ vì bò đã bị bán

Những dư âm… buồn

Ông Vi Mỹ Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trước khi nhận nuôi bò, người dân đã ký cam kết không tự ý bán bò, không thả rông, không tự ý chuyển đổi sang trâu hoặc gia súc khác. Theo cam kết, người dân không được bán bò mẹ, chỉ bán bê con để phát triển duy trì đàn và chỉ bán bò mẹ khi đã đẻ được 5 - 6 lứa trở lên. Để người dân bán bò và bán cả chuồng là trách nhiệm thuộc về người dân và chính quyền xã đối với công tác quản lý, vì đề án đã thực hiện xong và đã bàn giao cho địa phương. 

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho hay, việc quản lý cũng rất khó vì người dân lén lút bán bò, nên chính quyền xã  rất khó kiểm soát. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị chính quyền xã Nga My tuyên truyền người dân duy trì đàn bò hiện có, cam kết không tiếp tục bán bò được cấp và không được bán chuồng hoặc chuyển đổi công năng chuồng bò.

Trên thực tế, đề án cấp bò và làm chuồng bò, có thể nói là rất tai tiếng. Năm 2020, khi Đề án vừa thực hiện xong, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện sai phạm và đã khởi tố 6 cán bộ. Theo đó, các cán bộ này đã lập khống chứng từ, nâng khống khối lượng để thanh toán, rút tiền của Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tại gói thầu mua sắm thiết bị máy cày phục vụ trồng trọt và chăn nuôi cho người dân Ơ Đu, những người này đã lập khống hồ sơ, đánh tráo mua máy cày Thái Lan thành máy cày của Nhật Bản để thanh toán số tiền chênh lệch hơn 224 triệu đồng.

Còn về việc xử lý những người tự ý bán bò,, ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho hay, dù người dân đã cam kết không bán bò và chuồng, nhưng sau khi bàn giao, bò và chuồng trại đã trở thành tài sản của người dân. Do đó, việc người dân tự ý bán bò, chuồng trại rất khó xử lý vì không có căn cứ pháp lý nào để xử phạt người dân.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.