Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Ơ Đu ở xứ Nghệ: Trên vùng đất mới (Bài 1)

Thanh Hải - 09:19, 16/10/2022

LTS: Người Ơ Đu – thuộc nhóm DTTS rất ít người sinh sống chủ yếu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Nhiều năm qua, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào Ơ Đu, những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ văn hoá người Ơ Đu đang được thực hiện, để “cứu” một tộc người trước sự phai nhạt bản sắc văn hóa, chữ viết, phong tục tập quán; cùng với đó là những trợ lực để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…

Thủy điện Bản Vẽ hình thành, năm 2006, người Ơ Đu ở xã Kim Đa di dời về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. 17 năm ở vùng đất mới, cuộc sống người Ơ Đu đã thực sự đổi thay.

 Bản Văng Môn, xã Nga My – nơi cư trú hiện nay của người Ơ Đu
Bản Văng Môn, xã Nga My – nơi cư trú hiện nay của người Ơ Đu

Ông Vi Tân Hợi, Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, sau cách mạng tháng Tám, người Ơ Đu quy tụ về sinh sống ở các bản Xốp Pột, bản Kim Hòa, xã Kim Đa; một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng, xã Kim Tiến và bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (Tương Dương).

Năm 2006, người Ơ Đu ở bản Xốp Pột, bản Kim Hòa lại tiếp tục cuộc di chuyển lịch sử về sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương để nhường đất xây dựng thủy điện bản Vẽ. Hiện nay, dân số của tộc người Ơ Đu ở Tương Dương khoảng hơn 600 người.

Lễ đón tiếng sấm đầu tiên trong năm của người Ơ Đu
Lễ đón tiếng sấm đầu tiên trong năm của người Ơ Đu

Trong rất nhiều điều mới mẻ ở Văng Môn, thì nổi bật nhất là bộ mặt bản làng khang trang, sạch đẹp; là cuộc sống mới sung túc; là con trẻ được học hành đầy đủ; là nhận thức, suy nghĩ của người Ơ Đu đã được nâng lên một bước, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Thông tin ấy, lãnh đạo xã Nga My cũng đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Nếu như ở thời điểm mới chuyển về TĐC vào năm 2006 tại bản Văng Môn, tỉ lệ hộ nghèo của người Ơ Đu là 100%. Nay, con số đó chỉ còn nhỉnh hơn 50% mà thôi.

Bản Văng Môn hiện có 109 hộ với 444 nhân khẩu. Điều đáng chú ý là hộ dân nào cũng được thụ hưởng dự án hỗ trợ bò giống. Thế nên, ngó vào gia đình nào cũng có chuồng trại chăn nuôi đầy đủ. Ngoài 205 con bò của dự án, cả bản còn có hơn 100 con trâu, hàng trăm con dê, hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gia cầm các loại. Ngoài ra, còn có 14,5ha cỏ voi, 8ha sắn, 1,5ha ngô, 30ha keo.

Nhà TĐC của người Ơ Đu ở bản Văng Môn
Nhà TĐC của người Ơ Đu ở bản Văng Môn

Phó chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi cho biết: Người dân biết chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, biết trồng cỏ làm thức ăn. Nhận thức về chăn nuôi, trồng trọt đã nâng lên một bước. Thành ra đời sống ngày một khấm khá.

Về vùng đất mới, sống trọn giữa các bản làng người Thái và Khơ mú, người Ơ Đu ở bản Văng Môn đã thay đổi nhiều mặt. Nhiều lao động trẻ cũng đã rời bản tỏa đi muôn nơi tìm kế sinh nhai. Số tiền kiếm được sau những tháng ngày làm thuê nơi đất khách đã giúp họ có được cuộc sống đủ đầy hơn.

Trang phục của người Ơ Đu ở bản Văng Môn
Trang phục của người Ơ Đu ở bản Văng Môn

Chúng tôi có nguyên một ngày ở bản Văng Môn và nhận thấy, những thụ hưởng từ dự án TĐC đã tạo ra bộ mặt làng bản khang trang, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Nhà ở của người Ơ Đu được xây dựng theo mẫu, đáp ứng đủ nhu cầu ở và sinh hoạt của người dân. Còn nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư trở thành một trong những nhà cộng đồng bề thế nhất khu vực Tây Nghệ An.

Hệ thống đường giao thông nội bản là những trục đường bê tông sạch đẹp. Về ở khu TĐC, được quy hoạch nằm sát quốc lộ 48C nối “thủ phủ” khoáng sản Quỳ Hợp và vùng Phủ Quỳ với các huyện phía Tây Nam Nghệ An, nên rất thuận lợi để bà con thông thương và đi lại.

Cuộc sống người Ơ Đu ở Văng Môn ngày càng đổi thay
Cuộc sống người Ơ Đu ở Văng Môn ngày càng đổi thay

Hiện nay, 100% hộ dân Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% người dân được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân được thực hiện đầy đủ như hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tiền điện, tiền tết, gạo cứu đói, vay vốn phát triển kinh tế… Đầu năm 2022, từ nguồn hỗ trợ, UBND xã Nga My đã xây dựng mô hình sắn cao sản ở bản Văng Môn với diện tích 5ha. Hiện nay cây đã cao từ 0,5-0,8m dự kiến đến tháng 3/2023 sẽ cho thu hoạch.

Sau 17 năm về TĐC ở vùng đất mới, đã xuất hiện nhiều gương điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Những “người giàu” ở bản là những hộ tiên phong trong chăn nuôi, trồng trọt; trong việc mở cửa hàng kinh doanh buôn bán… Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan cho hay: Đời sống vật chất, tinh thần người dân đã được nâng lên rất nhiều, khác xa so với khi còn ở quê cũ. Điều đó khẳng định rằng, người dân đã rất nỗ lực, quyết tâm; và các cấp chính quyền cũng đã rất đồng hành, ủng hộ, quan tâm mọi mặt.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.