Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người Ơ Đu ở xứ Nghệ: Nhiều trăn trở trên hành trình hội nhập (Bài 4)

Thanh Hải - 11:55, 30/10/2022

Trên hành trình phát triển tộc người Ơ Đu, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong việc chăm lo, hỗ trợ người Ơ Đu bằng nhiều cách, thì người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng đã quyết tâm vươn lên, hòa nhập và phát triển cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nếp nhà sàn bằng gỗ của người Ơ Đu ở bản Văng Môn
Một ngôi nhà sàn bằng gỗ của người Ơ Đu ở bản Văng Môn

Còn nhiều trăn trở…

Ông Lo Thanh Bình là người Ơ Đu có tuổi Đảng nhiều nhất ở Văng Môn. Bản thân ông cũng là người lưu giữ được ngôn ngữ Ơ Đu. Ông Bình bảo: Ngôn ngữ Ơ Đu khó học, khó nói và viết. Khi giao tiếp với người già trong bản, tôi vẫn thường xuyên nói tiếng Ơ Đu đấy. Nếu không nói thì quên mất.

Ông Lô Thanh Bình là một trong số những người già ở bản biết viết và nói tiếng Ơ Đu
Ông Lô Thanh Bình là một trong số những người già ở bản biết viết và nói tiếng Ơ Đu

Ông Lo Văn Cường cũng là người biết nói và viết tiếng Ơ Đu. Là thầy mo của bản, nên ngày hội đón tiếng sấm đầu năm mới, đích thân ông Cường đã làm chủ lễ, cúng bằng tiếng Ơ Đu. Ông Cường cho biết: Người nói và viết được tiếng Ơ Đu không nhiều. Thực tế thì tiếng Ơ Đu vay mượn tiếng Thái, Khơ Mú cũng nhiều nên khi phát âm, người dân tộc khác cứ tưởng đó là tiếng Thái, tiếng Khơ Mú.

Số người biết viết, biết đọc tiếng Ơ Đu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lo sợ bị mai một, người dân bản Văng Môn vẫn thường nói và dạy con cháu tiếng Ơ Đu mỗi ngày. Thực tế thì, cũng đã có 4 lớp dạy tiếng Ơ Đu được triển khai cho bà con bản Văng Môn bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành. Thậm chí, có bộ phận đã sang tận Lào, tìm hiểu tiếng Ơ Đu của bản làng bên ấy để về giảng dạy cho phù hợp.

Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan trầm ngâm: Do nhiều nguyên nhân, nên việc học viết và nói tiếng Ơ Đu vẫn không hiệu quả. Số lượng người trẻ biết nói và viết còn ít. Dân bản rất mong muốn được bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình.

Ông Lô Thanh Bình và Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan đau đáu về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết Ơ Đu
Ông Lô Thanh Bình và Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan đau đáu về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết Ơ Đu

Trong quá trình thu thập tài liệu phục vụ nghiên cứu sinh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Vi Tân Hợi nhận thấy: Do ở xen kẽ nên bản sắc văn hóa của người Ơ Đu mờ nhạt và chịu ảnh hưởng của người Thái, Khơ Mú; kể cả trang phục cũng vậy.

Cũng vì lo sợ văn hóa bị phai nhạt, phụ nữ Ơ Đu đang “vực lại” nghề dệt của tổ tiên. Chiều chiều, sau những giờ đi nương rẫy, rãnh rỗi, họ đã lại miệt mài bên khung cửi. Già Vi Thị Dung, 75 tuổi nói rằng, bọn trẻ giờ ít người biết dệt vải, thêu váy. Mình phải làm để giữ gìn bản sắc, để con trẻ nhìn vào mà học tập.

Được biết, việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Ơ Đu đang được UBND xã Nga My và huyện Tương Dương thực hiện. Ông Lương Xuân Duy, Phó phòng Dân tộc huyện Tương Dương chia sẻ: Huyện đã khuyến khích người dân giữ nghề đan lát, dệt vải, duy trì lễ hội đón tiếng sấm đầu năm mới, duy trì đội văn nghệ…

Với chủ trương này, năm 2018 đã có 20 khung cửi được tặng cho bà con bản Văng Môn, cùng với đó là nhiều loại nhạc cụ như khèn, khắc luống… Những năm gần đây, lễ hội đón tiếng sấm đã được người Ơ Đu khôi phục lại bằng các nghi lễ, bằng các lễ vật, bằng lời cúng.

Phụ nữ Ơ Đu vẫn giữ thói quen thêu váy
Phụ nữ Ơ Đu vẫn giữ thói quen thêu váy

Những nỗ lực vì người Ơ Đu

Để hỗ trợ phát triển tộc người đặc biệt này, năm 2017, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025, với kinh phí 120 tỷ đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán...

Những nỗ lực ấy, đã đem lại sự thay đổi tích cực đời sống đồng bào Ơ Đu. Đến nay, bản Văng Môn đã được đầu tư 15 giếng khoan; 20 khung cửi phát triển nghề dệt may truyền thống; 77 chuồng bò xây mới kiên cố và 304 con bò giống; 77 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5 ha đất trồng cỏ và cung cấp cỏ giống. Nhà văn hóa được xây dựng, với kinh phí 4,5 tỷ đồng, rộng, đẹp cùng các thiết bị loa đài, hỗ trợ đội văn nghệ của bản; mở các khóa học tiếng Ơ Đu...

Cuộc sống của người Ơ Đu ở bản Văng Môn vẫn còn nhiều khó khăn
Cuộc sống của người Ơ Đu ở bản Văng Môn vẫn còn nhiều khó khăn

Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, người Ơ Đu tập trung về một bản Văng Môn thuận lợi cho việc đầu tư và bảo tồn các yếu tố văn hóa, nhưng cũng sẽ xuất hiện thách thức, bởi khi về đây, bà con tiếp xúc nhiều và thường xuyên với lối sống ngày càng hiện đại của người Thái, người Kinh lân cận. Trước hết là tiếng nói, đã pha trộn quá nhiều; thứ nữa là, trang phục và trong sinh hoạt hàng ngày cũng chịu ảnh hưởng lớn của các dân tộc sinh sống bên cạnh.

Do đó, vấn đề mà các cấp chính quyền quan tâm là, cần có một sự khảo sát toàn diện, nghiên cứu sâu về ngôn ngữ từ góc độ văn hóa để tìm ra những yếu tố cần bảo tồn; những yếu tố tiếp biến cần phát huy; Đặt việc bảo tồn ngôn ngữ lên hàng đầu, xem đó là cái gốc để bảo tồn các yếu tố văn hóa khác, làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của người Ơ Đu.

Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát văn hóa tộc người Ơ Đu, thì cần phải phát huy sức mạnh cộng đồng người Ơ Đu. Đó là sự liên kết giữa các thành viên trong tộc người, quan hệ họ hàng cũng như các mối liên kết khác, được hình thành từ trong quá trình lịch sử. Đồng thời, nên có hướng, tầm nhìn quy hoạch xây dựng lại bản Văng Môn theo cấu trúc không gian làng, bản truyền thống của người Ơ Đu; tiếp tục hỗ trợ phục dựng và duy trì các lễ hội quan trọng như lễ đón tiếng sấm, lễ ăn cơm mới, rước hồn lúa và mừng nhà mới…

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận