Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh liên kết để HTX phát triển bền vững

Hoàng Quý - 11:12, 04/11/2019

Thời gian qua, việc phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với gần 8 triệu thành viên, khu vực kinh tế này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nước ta khoảng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn của nước ta thì kết quả trên lại chưa hề tương xứng, vẫn còn nhiều rào cản hạn chế khu vực này phát triển.

Sản xuất quế hồi ở Yên Bái.
Sản xuất quế hồi ở Yên Bái.

Nhiều mô hình liên kết được xây dựng

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã tập trung các giải pháp phát triển KTHT. Nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển bứt phá, tăng về số lượng, mở rộng quy mô, phát triển các sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương. Qua đó, loại hình kinh tế này đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Như HTX Quế hồi xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) đã xác định sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu tạo ra những giá trị bền vững và liên kết hợp tác là hướng đi hàng đầu. HTX đang giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.


Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, HTX chủ động liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán cho thành viên, người trồng quế. Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Giám đốc HTX, cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện liên kết, với diện tích quế ban đầu chỉ có 1,5ha thì nay vùng nguyên liệu đã lên tới 500ha, sản phẩm của người dân được HTX bao tiêu toàn bộ và với giá bán tăng 20% so giá thị trường.


Hay như ở Hà Giang, với phương châm “Chung sức cùng thành công”, nhiều mô hình HTX của Hà Giang đã có nhiều cách làm hay sáng tạo. Điển hình như: HTX Tuấn Dũng (huyện Mèo Vạc) đã liên kết với trên 100 hộ dân trên địa bàn để phát triển 2.200 đàn ong. Năm 2018 sản lượng mật ong bạc hà của HTX đạt trên 15.000 lít, giá trị trên 6,5 tỷ đồng, đưa mức thu nhập cho người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của người dân đã được HTX bao tiêu, tạo thêm thu nhập, gia tăng giá trị sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các thành viên HTX và người dân địa phương.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng khu vực KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay khu vực này có tốc độ tăng trưởng chậm, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn biểu hiện hình thức, xa rời bản chất, nguyên tắc và giá trị HTX. Mặt khác, năng lực nội tại của một số HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp...

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, tạo đà cho KTHT phát triển, ông Nguyễn Văn Thịnh kiến nghị, Nhà nước cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTHT; tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy, các HTX mới phát triển vững mạnh, KTHT mới phát triển bền vững.

Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến 30/6/2019, cả nước có gần 24 nghìn HTX, 75 Liên hiệp HTX và hơn 100 nghìn tổ hợp tác, với gần 8 triệu thành viên, trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người. Hằng năm, đóng góp của khu vực HTX vào tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 10%.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.