Trước đây, người nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kỹ thuật, thiếu vốn nên thường bán nông sản thô, làm giảm giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, khi HTX kiểu mới ra đời, việc gắn sản xuất nông nghiệp với tiêu thụ nông sản thông qua mối liên kết giữa các HTX, giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến với HTX, hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả, nhờ vậy giá trị sản xuất hàng hóa cũng được tăng cao.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 cả nước có trên 14.500 HTX được thành lập và hoạt động (trên 5.000 HTX tại các khu vực miền núi, vùng DTTS), tăng hơn 6.000 HTX so với số liệu năm 2017.
Ông Vi Văn Tuấn, thành viên HTX Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khi cùng nhau liên doanh với doanh nghiệp để khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, HTX đã đầu tư trồng 5ha dưa lưới theo công nghệ Israel. Thông qua mối liên kết từ khâu trồng đến thu hoạch, đóng gói bao bì, sản phẩm... đã nâng giá trị hàng hóa lên 3-4 lần so với trước”.
Cũng theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có doanh thu bình quân là 1,6 tỷ đồng/năm (gấp 4 lần so với HTX kiểu cũ).
Tại nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phục vụ chế biến, xuất khẩu, có dịch vụ hỗ trợ nông dân thích ứng với điều kiện canh tác, nuôi trồng qua đó, doanh thu, lợi nhuận đều gia tăng.
Ông Sùng A Tư, Bí thư Chi bộ thôn Tái Hút, xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Kể từ khi bà con tại địa phương thực hiện liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị với Công ty Yên Thành, thì sản phẩm của bà con được chế biến thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Khi chưa thành lập HTX thì bà con thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ha măng nhưng khi thành lập và liên kết, liên doanh với Công ty, thu nhập của bà con tăng từ 40-50 triệu/ha”.
Tuy nhiên, vẫn còn những HTX kiểu cũ tại nhiều địa phương chậm trễ, yếu kém trong chuyển đổi, hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng.
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 20/7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã chỉ rõ, những nguyên nhân khiến kinh tế tập thể, HTX phát triển chậm, như: Công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo; số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%); số lượng HTX đã phát triển về lượng và chất nhưng chưa đồng đều và mới tập trung chủ yếu là cung cấp dịch vụ đầu vào; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX rất nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống…
Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, mô hình HTX theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng trong việc nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người nông dân và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Theo đó, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, đi vào thực tế để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế HTX này.
NGHĨA HIỆP