Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bằng sông cửu long: Chú trọng sản xuất theo mô hình HTX

PV - 22:18, 29/04/2019

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành Nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp phải muôn vàn khó khăn. Theo đó, các hộ sản xuất đơn lẻ, manh mún rất khó tồn tại bền vững. Để giải quyết bài toán này, người dân không còn cách nào khác là phải liên kết sản xuất, trong đó chú trọng vào mô hình hợp tác xã (HTX).

Khẳng định vai trò

Chia sẻ về giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước ảnh hưởng của BĐKK, người dân cần phải tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Điều quan trọng là để tăng sức cạnh tranh thì các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành, khi đó HTX phải trở thành chỗ dựa phát huy kinh tế hộ đang hoạt động manh mún, nhỏ lẻ và giữ vai trò liên kết với các doanh nghiệp.

Mô hình sản xuất nấm rơm được đánh giá là thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình sản xuất nấm rơm được đánh giá là thích ứng với biến đổi khí hậu.

“HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện BĐKH”, ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Trên thực tế, sau gần 3 năm triển khai Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 đã khẳng định hướng đi này là hoàn toàn đúng đắn.

Toàn vùng hiện nay đã lựa chọn 156 HTX và 19 tổ hợp tác đăng ký tham gia thí điểm. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có những HTX nông nghiệp tổ chức cộng đồng, nông dân ứng phó với BĐKH hiệu quả. Minh chứng, có hàng chục các HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức cho nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, có lợi nhuận ròng đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa, nông dân chỉ có lợi nhuận ròng là 39,20 triệu đồng/ha/năm”.

Chú trọng tới môi trường

Để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, mới đây, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức Diễn đàn thích ứng với cơ chế thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được tổ chức tại Đồng Tháp. Tại Diễn đàn này, có rất nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực tham gia phát biểu và cùng có chung một quan điểm rằng: ĐBSCL sản xuất nông nghiệp không chỉ phải chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường mà đồng thời phải bảo đảm thích ứng với BĐKH.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để HTX đảm đương được sứ mệnh lịch sử của mình thì HTX cần được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhấn mạnh: Chính phủ có sự thay đổi cơ chế, chính sách để thúc đẩy HTX phát triển. Tăng cường thu hút doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào HTX, tạo điều kiện để ngân hàng có cơ chế cho HTX vay tín chấp bằng hợp đồng liên kết. Đặc biệt, nâng chất lượng nguồn nhân lực cho HTX là vấn đề cốt lõi để một HTX có thể sống và hoạt động tốt. Theo Tiến sĩ Hải, ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó, HTX có vai trò phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL, vì vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX thích ứng với BĐKH theo tinh thần của Nghị quyết.

Qua nhìn nhận, phân tích của các chuyên gia và kết quả từ thực tiễn cho thấy, với những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu do kinh tế hộ thực hiện, vì vậy vai trò của các HTX nông nghiệp sẽ rất quan trọng và việc này đòi hỏi sự linh hoạt của từng HTX để tồn tại và phát triển bền vững

HẠNH NGUYÊN