Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dấu ấn của những người thầy “quân hàm xanh”

Minh Thu - 12:16, 20/11/2024

Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới, từ nhiều năm nay, với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, hình ảnh những người thầy mang “quân hàm xanh” đã và đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Bởi, những người thầy đã và đang đem trí lực, tâm sức của mình, đem ánh sáng, con chữ và khát vọng cho trẻ em DTTS ở mọi miền Tổ quốc.

Thiếu tá Trần Bình Phục dạy chữ cho các em nhỏ.
Thiếu tá Trần Bình Phục dạy chữ cho các em nhỏ

Góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS

Ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, nhờ có lớp xóa mù chữ của Đại úy Lò Văn Thoại, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La, cuộc sống của người dân địa phương đã có nhiều đổi khác.

Chúng tôi là lính, là BĐBP, ngoài nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chúng tôi còn có sự liên kết với bà con. Chính trách nhiệm và tình cảm giúp những người lính như tôi có thêm động lực vượt qua trở ngại, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó với việc gieo con chữ cho các cháu”.

Thiếu tá Trần Bình PhụcBĐBP Cà Mau

Từ năm 2022 đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động, lớp học xóa mù chữ buổi tối của thầy Thoại, ban đầu chỉ có 7 - 8 học viên, nay lớp đã có 24 học viên tham gia với độ tuổi từ 14 - 60 tuổi. Nhờ có lớp học của thầy Thoại, người dân Mường Và đã dần thay đổi nhận thức, đến nay tỷ lệ tảo hôn chỉ còn khoảng 1 - 2%, đời sống kinh tế - xã hội dần ổn định, phát triển hơn.

Sau khi tham gia lớp học của thầy Thoại, nhiều người dân Mường Và đã có thể tự đọc, viết, lưu tên người thân trên điện thoại và ngày càng thích đến lớp hơn. Người dân Mường Và cũng đã nhận thức được việc học chữ không chỉ giúp đọc hiểu sách, vở mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày, chăm sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp...

“Từ khi biết chữ, tôi vận dụng được nhiều kiến thức vào phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi và còn biết cách bán hàng qua mạng xã hội, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”, chị Giàng Thị Pạ Dê, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn cho biết.

Tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, để giúp bà con có thể tiếp cận con chữ, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Lốp (BĐBP Gia Lai), đã mở lớp xóa mù chữ cho người dân ở xã biên giới Ia Mơ, với sự tham gia của những người thầy mang “quân hàm xanh”.

Sau khi rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân tại Cụm dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ, đơn vị được biết có 71 người dân tộc Jrai  mù chữ, trong đó có 45 người mong muốn được học. Vì thế, cấp ủy đảng, Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Lốp đã xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Toàn bộ chương trình đều sử dụng tài liệu học xóa mù chữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Ia Piơr. Lớp học diễn ra vào 3 buổi tối mỗi tuần.

Lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Ia Lốp mở dạy chữ cho bà con thiểu số Jrai ở Cụm dân cư Suối Khôn. (Ảnh: TTXVN).
Lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Ia Lốp mở dạy chữ cho bà con dân tộc Jrai ở Cụm dân cư Suối Khôn. (Ảnh: TTXVN)

Trách nhiệm và tình cảm là động lực vượt qua trở ngại, khó khăn

Theo Đại úy Nguyễn Văn Luân, hành trình vận động người dân đến với lớp học gặp nhiều gian truân. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống rất khó khăn. Một bộ phận đồng bào còn mặc cảm, tự ti, giao tiếp rụt rè. Vì vậy, cán bộ Tổ công tác phải đến từng hộ gia đình vận động, động viên để họ hiểu và mạnh dạn đến với lớp học.

Đến nay, lớp học không chỉ giúp bà con Jrai ở Cụm dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ biết đọc, biết viết, mà nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ biên giới Tổ quốc được nâng lên rõ rệt.

Theo chị Rơ Lan H'Cúc, sinh năm 1997, ở làng Sâm, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông có con gái nhỏ mới 2 tuổi, phải địu theo đến lớp, vừa lo cho con vừa học. Chị H' Cúc thường ngồi ở cuối lớp nhưng rất chăm chỉ và nghiêm túc.

“Tham gia lớp học, tôi đã có cơ hội học hỏi nhiều điều từ các thầy giáo. Các thầy không chỉ dạy chúng tôi đọc, viết mà còn cho chúng tôi sách vở, bút, trông con và hướng dẫn trồng trọt. Tôi rất biết ơn các thầy,” chị Rơ Lan H'Cúc chia sẻ.

Ở đảo Hòn Chuối xa xôi thuộc tỉnh Cà Mau, hơn 14 năm qua, thầy giáo “quân hàm xanh” - Thiếu tá Trần Bình Phục (cán bộ BĐBP Cà Mau) vẫn miệt mài với việc "gieo chữ" cho nhiều thế hệ con trẻ tại đảo. Nhiều người dân nơi đây còn gọi thầy Phục là người thầy mang trái tim của biển...

Suốt 14 năm qua, việc dạy học cho nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều chương trình học trong cùng một lớp cũng là điều không hề dễ dàng với người thầy “quân hàm xanh” Trần Bình Phục. Để đảm bảo việc học của các em đạt chất lượng, thầy Phục phải nghiên cứu, xây dựng giáo trình sao cho cơ bản, ngắn gọn và dễ hiểu nhất.

Với nỗ lực của thầy giáo Trần Bình Phục, hiện, lớp học tình thương tại đảo Hòn Chuối đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Thấm thoắt, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối hình thành đến nay đã 29 năm. Nhiều cán bộ, chiến sỹ BĐBP đã đứng lớp, trong đó thầy Phục đứng lớp lâu nhất, với hơn 14 năm gắn bó. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, người thầy “quân hàm xanh” Trần Bình Phục vẫn bám trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng hành với việc “gieo chữ”.

Nhờ vậy, thầy Phục không chỉ nhận được sự tin tưởng của đồng đội mà còn được người dân trên đảo hết sức yêu quý. Qua đó, tình đoàn kết giữa quân và dân trên đảo Hòn Khoai ngày một vững chắc.

“Chúng tôi là lính, là BĐBP, ngoài nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chúng tôi còn có sự liên kết với bà con. Chính trách nhiệm và tình cảm giúp những người lính như tôi có thêm động lực vượt qua trở ngại, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó với việc gieo con chữ cho các cháu”, Thiếu tá Trần Bình Phục chia sẻ.

Trên khắp các nẻo đường biên giới, hải đảo xa xôi, không khó để nhận thấy, những chiến sỹ - thầy giáo “quân hàm xanh” vẫn đang ngày đêm tận tụy với sự nghiệp trồng người. Bằng tình thương, trách nhiệm, bằng trái tim người lính, những thầy giáo “quân hàm xanh” đã và đang trở thành “điểm tựa” cho Nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhưng đầy cao quý.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).