Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Tuyên truyền viên” quân hàm xanh cùng đồng bào phát triển bền vững vùng biên giới

Hạnh Nguyên - 07:19, 14/11/2023

"Am hiểu văn hoá, lối sống của đồng bào nên khi tôi vận động, tuyên truyền bằng tiếng Khmer các vị sư sãi và đồng bào rất đồng cảm, không ngại chia sẻ tâm tư. Nhờ đó mà chúng tôi giúp đỡ được đồng bào trong phát triển kinh tế, giải quyết kịp thời những bức xúc, nổi cộm, không để xảy ra " điểm nóng" trên khu vực biên giới ", đó là lời chia sẻ của Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên ĐBP Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào khu vực biên giới

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên ĐBP Phú Mỹ ( BĐBP Kiên Giang) đến thăm và trao đổi với đồng bào trong phum sóc thường xuyên bằng tiếng Khmer
Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên ĐBP Phú Mỹ ( BĐBP Kiên Giang) đến thăm và trao đổi với đồng bào trong phum sóc thường xuyên bằng tiếng Khmer

Sát cánh cùng đồng bào

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, lực lượng BĐBP tỉnh Kiên Giang còn là tuyên truyền viên trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để đồng bào trên địa bàn triển khai dự án hiểu rõ những chính sách mà mình được thụ hưởng.

 Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ đồng bào DTTS xây dựng cuộc sống mới,  Đảng uỷ BĐBP tỉnh Kiên Giang đã xây dựng lộ trình đào tạo và đưa cán bộ, chiến sĩ là người DTTS về công tác ở vùng có đông đồng bào sinh sống trên khu vực biên giới (KVBG).

Mới đây, có dịp trở lại huyện Giang Thành, những câu chuyện giảm nghèo, đường biên, cột mốc và câu chuyện tuyên truyền trong vùng đồng bào được Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay chia sẻ ngọn ngành: Là huyện biên giới, Giang Thành có 5 xã gồm: Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú và Tân Khánh Hòa, với đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài hơn 35 km, trên địa bàn huyện có đến 03 ĐBP (Phú Mỹ, Cửa khẩu Giang Thành và Vĩnh Điều). 

Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, đồng bào khu vực biên giới, đặc biệt là nguồn lực từ các chương trình MTQG, đời sống Nhân dân KVBG Giang Thành đã có nhiều khởi sắc, bà con hăng hái thi đua sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng biên ngày càng phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện Giang Thành tỷ lệ nhựa hóa giao thông nông thôn đạt 84,65%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,1%; có 4/5 xã đã xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hóa xã; có 8/15 trường đạt chuẩn quốc gia. Giang Thành đã có 02 xã đạt nông thôn mới là Phú Mỹ và Tân Khánh Hòa. Huyện Giang Thành đang phấn đấu đến năm 2025 có 5/5 xã được công nhận xã nông thôn mới. 

"Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các cấp uỷ, các Sở, ban ngành. Đặc biệt, là tiếp tục nhận được sự đồng hành của lực lượng BĐBP trong tất cả các hoạt động tại khu KVBG, trong đó quan trọng nhất là công tác vận động tuyên truyền đồng bào Khmner trong huyện, đồng thuận cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và các Chương trình MTQG”,  Bí thư Huyện uỷ chia sẻ.

Đưa chúng tôi dọc theo tuyến biên giới huyện Giang Thành, Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên ĐBP Phú Mỹ, là một trong những cán bộ người DTTS đang thực hiện nhiệm vụ trên KVBG có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trung tá Danh Tâm cho biết:  Đồn Phú Mỹ hiện quản lý quản lý 02 xã (Phú Mỹ và Phú Lợi), dân số 2.787 hộ, với 9.318 khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 40%. Là người dân tộc Khmer được về công tác tại vùng có đông đồng bào Khmer nên anh có nhiều thuận lợi hơn trong công tác tuyên tuyền vận động Nhân dân, đồng bào DTTS trên các lĩnh vực.

 "Am hiểu văn hoá, lối sống của đồng bào nên khi tôi vận động, tuyên truyền bằng tiếng Khnmer các vị sư sãi và đồng bào rất đồng cảm, không ngại chia sẻ tâm tư. Nhờ đó mà chúng tôi  kịp thời tháo gỡ, giải quyết được nhiều bức xúc, nổi cộm không để xảy ra " điểm nóng" trên KVBG",  Trung tá Danh Tâm chia sẻ.

Hiện có khoản 50 % cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền và 100% cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng cửa khẩu thuộc BĐBP Kiên Giang biết tiếng Khmer
Hiện có khoản 50 % cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền và 100% cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng cửa khẩu thuộc BĐBP Kiên Giang biết tiếng Khmer

Tăng cường học tiếng dân tộc 

Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính uỷ BĐBP tỉnh, để gần dân, hiểu dân và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp đồng bào KVBG thay đổi nhận thức, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, đội ngũ cán bộ tuyên truyền, vận động phải am hiểu văn hóa của đồng bào, biết tiếng của đồng bào. Ví dụ khi hướng dẫn mô hình sinh kế cụ thể cho đồng bào Khmer, phải hướng dẫn cả về khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng, tuy nhiên để đồng bào hiểu được nội dung cán bộ trình bày, đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải thạo tiếng Khmer để hướng dẫn, như vậy đồng bào mới hiểu và làm theo được. 

"Theo đó, lực lượng đã xác định, có quy hoạch, bồi dưỡng được cán bộ đứng chân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, phải “thuộc bài” thì mới làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.", Đại tá Huỳnh Văn Đông chia sẻ thêm.

Để đạt mục tiêu các ĐBP tuyến biên giới đất liền ( cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng cửa khẩu và cán bộ thuộc các đội trinh sát ngoại biên ) sử dụng thành thạo tiếng Khmer đạt tỷ lệ 100%, Đảng uỷ BĐBP tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm tạo điều kiện cho cho cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập và nghiên cứu
Để đạt mục tiêu các ĐBP tuyến biên giới đất liền sử dụng thành thạo tiếng Khmer đạt tỷ lệ 100%, Đảng uỷ BĐBP tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm tạo điều kiện cho cho cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập và nghiên cứu

Do đó, tại Nghị quyết số 214 - NQ/ĐBP về thực hiện Đề án “ Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức viên chức giai đoạn 2019 - 2030” và học tập tiếng dân tộc trong BĐBP tỉnh Kiên Giang, Đảng uỷ BĐBP tỉnh Giang đã đưa ra mục tiêu cụ thể: Đối với tiếng Khmer, giai đọan từ nay đến 2025, có từ 20 - 30% thủ trưởng bộ chỉ huy và chỉ huy các phòng, ban nghiệp vụ sử dụng thành thạo tiếng Khmer; Từ 50-60% cán bộ, nhân viên đối ngoại, vận động quần chúng, trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sử dụng thành thạo tiếng Khmer; Từ 50-60% cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền, trong đó 100% cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng cửa khẩu, 100% cán bộ thuộc các đội trinh sát ngoại biên sử dụng thành thạo tiếng Khmer.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang chia sẻ, những năm gần đây, nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực biên giới ngày càng tiến bộ. Đây là kết quả từ sự đóng góp tích cực của lực lượng BĐBP.

 Những năm qua, bám sát tình hình thực tế địa bàn, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con ở khu vực biên giới. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng biên, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đáng nói là, các buổi tuyên truyền đều được phiên dịch bằng tiếng Khmer, do vậy đồng bào dễ hiểu và nắm bắt nhanh được thông tin, nội dung tuyên truyền...

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng đã giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong  đồng bào, từ đó tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh luôn ổn định. Tuy nhiên, để phát triển ổn định vùng KVBG, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người DTTS để đưa về công tác tại vùng đông đồng bào dân tộc mới chính là giải pháp lâu dài bền vững, đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.