Năm 2020, xã Lùng Thẩn vận động người dân đưa cây đương quy vào trồng. Để bảo đảm đúng yêu cầu kĩ thuật, từ khâu làm đất, tạo luống và phủ nylon đều được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.
“Vì đây là cây trồng mới đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao, nên chúng tôi phải thường xuyên xuống tận đồng ruộng với bà con, vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn để bà con có thể nắm vững các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình gieo trồng”, anh Đỗ Ngọc Anh, cán bộ khuyến nông xã Lùng Thẩn cho biết.
Hộ gia đình anh Thào Seo Vảng ở thôn Lử Thẩn, năm 2020 chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô, lúa của gia đình sang trồng cây đương quy. Theo anh Vảng, so với các cây trồng truyền thống như ngô lúa, thì cây đương quy đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn.
“Bây giờ thì mình cũng đã nắm được kỹ thuật rồi, vườn đương quy của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt, hy vọng sẽ cho thu nhập cao sau khi được thu hoạch”.
Năm 2014, chị Vũ Thị Nhung, ở xã Quan Hồ Thẩn, đầu tư trồng trên 1 ha cây tam thất. Với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, vườn tam thất của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt và cho nhiều củ. Ngay vụ đầu tiên đã cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
“Hiện tại, gia đình tôi có gần 2ha trồng cây tam thất, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn (trên 500 triệu/ha), nhưng giá trị sau thu hoạch lại cao nên gia đình cũng yên tâm đầu tư phát triển loại cây này”.
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Si Ma Cai có trên 130ha trồng cây dược liệu bao gồm, cây đương quy, tam thất, sả Java, nghệ đỏ... ; tập trung tại 6 xã Si Ma Cai, Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn, Sán Chải và Cán Cấu, với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Bên cạnh việc huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho người nông dân, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có nhiều ưu đãi đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng dược liệu; thực hiện làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến dược phẩm trong và ngoài tỉnh.
Ông Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện đã tham vấn về chuyên môn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó ban hành các quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây, và tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện chăm sóc theo từng thời điểm trong năm.
“Khi đăng ký tham gia trồng cây dược liệu, bà con nông dân trên địa bàn huyện sẽ được hỗ trợ về giống, phân bón. Cụ thể, đối với cây tam thất, Nhà nước sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng/ha gồm giống, lưới che, phân bón; cây đương quy sẽ hỗ trợ giống, phân bón nylon phủ luống…”, ông Tiến thông tin.
Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, qua đánh giá thực tế, đối với các hộ dân đã trồng trước đó, và giá thành đối với sản phẩm cây dược liệu hiện nay, thì giá trị kinh tế của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.
“Ví dụ như, đối với cây đương quy thì mỗi ha sẽ cho thu nhập từ 110-150 triệu đồng/ha, cây tam thất và một số hộ dân trồng trước đó đã cho thu 1,2 tỷ đồng/ha…”.
Có thể nói, phát triển cây dược liệu đang mở ra hướng mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai. Với mục tiêu đưa cây dược liệu trở thành cây trồng chính, huyện Si Ma Cai đang đẩy nhanh tiến độ khảo sát, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, nhằm tạo diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác.