Tập trung hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế và tiếp cận các dịch vụ cơ bản, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đăk Tô đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành và các xã, thị trấn lựa chọn đối tượng, lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong đó, huyện đã phê duyệt 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (trồng cây mắc ca và cây cao su) cho 448 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, kinh phí hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng.
Ông A Xoang (dân tộc Xơ Đăng) – Khối phố 1, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện mua các loại cây giống, 1 hecta đất chủ yếu để trồng sắn, năng suất không cao nên thu nhập 1 năm khoảng 30 triệu đồng. Năm 2024 này, gia đình được huyện hỗ trợ 600 cây giống cao su về trồng, sau hơn 3 tháng thấy cây phát triển rất tốt. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để sau này có thu nhập ổn định và sớm vươn lên thoát nghèo.
Với thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, trong quá trình triển khai hỗ trợ sản xuất, huyện Đăk Tô đã tập trung các dự án hỗ trợ bò sinh sản. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phê duyệt 27 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại cộng đồng cho 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng… Các dự án hỗ trợ bò sinh sản phù hợp với năng lực sản xuất của người dân nên đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cùng với hỗ trợ bò giống, người dân còn được cán bộ huyện, cán bộ xã hướng dẫn chăn nuôi có chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nên toàn bộ số bò hỗ trợ đều phát triển tốt.
Ông A Giang (dân tộc Xơ Đăng) – Thôn Măng Rương, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô được hỗ trợ cặp bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phấn khởi cho biết: Năm 2023, cùng với hỗ trợ bò, gia đình còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, được hỗ trợ vật tư làm chuồng trại để nuôi nhốt. Đến nay, cặp bò sinh trưởng tốt và sắp có thêm 1 bê con. Gia đình ai cũng mừng và sẽ chăm sóc tốt để có nguồn thu ổn định từ chăn nuôi bò.
Cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các xã tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), huyện đã rà soát hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán cho 140 hộ, tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Hơn 1.000 lượt hộ dân được hỗ trợ phát triển sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất với 03 chuỗi liên kết sản xuất, triển khai thực hiện trồng được hơn 201 hecta cây mắc ca, hơn 30 hecta cây nghệ, hơn 48 hecta cây ăn quả trồng phân tán; hơn 167 người tạo việc làm mới; 83 hộ được hỗ trợ nhà ở...
Bà Phạm Thị Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết: Ngoài việc triển khai hỗ trợ sinh kế, huyện Đăk Tô còn chú trọng tăng cường chất lượng nguồn lực lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Riêng giai đoạn 2021 - 2024 huyện đã tổ chức tuyển sinh mở 38 lớp đào tạo nghề cho 1.267 lao động (chủ yếu là lao động tại các xã vùng đồng bào DTTS) từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719. Qua đó, giúp người lao động có thể tự tạo việc làm cho bản thân và tham gia lao động tại các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ hoặc lao động phổ thông.
Nâng cao đời sống Nhân dân
Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, huyện Đăk Tô còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; đầu tư lắp đặt hệ thống cụm loa đảm bảo nâng cao kết quả giảm nghèo về thông tin… Đến nay, 09/09 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 61/61 thôn có đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của Nhân dân.
Ông A Kum – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Kon Tu Jốp 1, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư đường giao thông, trường học nên tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Đường giao thông thuận lợi nên việc buôn bán nông sản của bà con không còn khó khăn như trước, giá cả ổn định, thu nhập cũng cao hơn. Hiện thôn có 141 hộ nhưng chỉ còn 22 hộ nghèo.
Từ các dự án, mô hình hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các mô hình sinh kế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các hộ nghèo ở Đăk Tô được tiếp sức, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông A Gủih (dân tộc Ba Na) – Thôn Kon Tu Jốp 1, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô chia sẻ: Năm 2020 gia đình được hỗ trợ 1.000 cây giống cà phê và trồng với diện tích 1 hecta. Nhờ cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cà phê đã phát triển tốt. Năm 2022 gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ cây cà phê và đã vươn lên thoát nghèo. Vừa rồi, gia đình trồng thêm 4 hecta cà phê xen với cây mắc ca. Hy vọng sau này sẽ có thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Lê Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Pô Kô, huyện Đăk Tô cho biết: Cùng với việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, UBND xã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào DTTS làm cho người đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ đó, người dân đã xóa bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất, biết lấy ngắn, nuôi dài, sản xuất xen canh, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô đã giảm từ 15,04% của năm 2021 xuống còn 6,73% năm 2024.
Bà Phạm Thị Hiền – Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, các chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tự lực tự cường để vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.