Vị lãnh đạo huyện thông tin thêm, huyện cũng đã trao đổi, định hướng để chủ voi quản lý con voi của mình tốt hơn và có biển cảnh báo để du khách hạn chế tiếp xúc gần với voi. “Qua trao đổi, nài voi cho biết, đã có biển cảnh báo rồi, nhưng du khách vẫn tự ý đến gần, sờ vào người voi”.
Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải 2 Clip ngắn, ghi lại cảnh du khách bị voi đá, quật bằng vòi. Một Clip chia sẻ hình ảnh một cô gái sờ vào vùng mông của con voi, khi con voi này đang chở khách, thì con voi đã đá vào người khiến cô gái này té ngã ra đường. Clip khác ghi lại hình ảnh một nam thanh niên đang quay Clip giới thiệu và sờ vào vòi voi, lập tức bị voi dùng vòi quật ngã lộn một vòng.
Theo tìm hiểu, cả hai người bị voi đá và quật nói trên đều là du khách từ nơi khác đến huyện Lắk du lịch.
Anh Y.V.E. (một chủ voi tại huyện Lắk) cho biết, con voi trong đoạn Clip thuộc sở hữu của người thân trong dòng họ của anh. Đó là voi cái N.T. (45 tuổi). Dù nài voi (người điều khiển voi) đã nhắc nhở khách không đến gần voi, nhưng khách vẫn đùa dỡn, chọc voi, dẫn đến việc bị voi quật ngã. Rất may, cả 2 du khách đều không bị thương tích, ngược lại họ lại thấy vui và đăng tải Clip lên mạng xã hội.
"Sợ việc đăng Clip ảnh hưởng đến du lịch của địa phương, tôi đã nhờ họ gỡ xuống, nhưng đến nay Clip vẫn lan truyền nhanh chóng. Bình thường con voi này rất hiền lành, nhưng do bị chọc nên giật mình và có phản xạ tự nhiên mới như vậy", Anh Y.V.E. cho biết.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện còn 36 con voi nhà (trong đó, huyện Lắk 16 con và huyện Buôn Đôn 20 con). Tháng 11/2022, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk 2 triệu USD thực hiện "Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi" trong vòng 5 năm. Phía AAF đã triển khai mô hình thân thiện với voi tại huyện Buôn Đôn và đang chuẩn bị các bước để triển khai tại địa bàn huyện Lắk.