Cùng với văn hóa cồng chiêng đặc sắc, thì voi là một biểu tượng đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sức mạnh của voi là hiện thân của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, buôn làng.
Thầy cúng Y Sớ Ênuôl ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk chia sẻ: Voi sau khi được thuần dưỡng bởi những dũng sỹ săn voi, các chú voi sẽ nuôi như người bạn lớn trong mỗi gia đình người Mnông ở Đắk Lắk. Đồng bào Mnông quan niệm, con voi là hiện thân của sự may mắn, thịnh vượng của buôn làng. Trong sinh hoạt hằng ngày, voi là người bạn, người thân trong gia đình, voi giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc.
Trong những ngày hộị, voi cũng là niềm tự hào của cả cộng đồng, dân tộc. Bởi vậy, nên đồng bào Mnông rất coi trọng việc cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng sức khỏe gắn liền với cuộc đời mỗi con voi.
Lễ cúng sức khỏe cho voi thường được tổ chức vào đầu năm, để cầu mong năm mới voi luôn mạnh khỏe, giúp đỡ gia chủ; đồng thời nhắc nhở mọi người quan tâm chăm sóc, bảo vệ voi. Những buôn còn nhiều voi, dân làng thường tập trung làm lễ cúng chung cho tất cả voi trong buôn. Đây là nghi lễ mang đậm yếu tố văn hóa, tâm linh của người Mnông.
Vừa qua, UBND huyện Lắk đã tổ chức phục dụng Lễ cúng sức khỏe cho 11 con nhà, tại buôn Lê, thị trấn Liên Sơn. Theo phong tục, thầy cúng sức khỏe cho voi, phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng. Lễ cúng sức khỏe cho voi lần này, thầy cúng được mời là ông Y Sớ Ênuôl cùng đoàn nghệ nhân buôn Lê.
Trước khi thực hiện lễ cúng, gia chủ đã chuẩn bị lễ vật tươm tất, tùy điều kiện gia chủ có thể làm trâu, heo hoặc gà, song dù lễ lớn hay nhỏ bắt buộc phải có ít nhất là 3 chén xôi, tiết lợn, đầu heo và một số lễ vật khác.
Đến giờ hành lễ, 11 con con tập trung trước sân nhà ông Y Chal Je, buôn Lê, một trong những chủ voi. Sau khi các chú voi thực hiện hành động chào khách, thể hiện sự thân thiện, gần gũi của voi với con người; từng con voi tiến vào nơi tổ chức lễ cúng, nài voi sẽ thắp 1 ngọn nến trắng vào đầu móc điều khiển voi, rồi voi mới tiến lên thực hiện nghi lễ cúng.
Thầy cúng đọc lời khấn gọi Yang về chứng giám: “Yang voi, Yang đất, Yang trời, Yang núi hãy về đây chứng giám nghi lễ cúng sức khỏe cho voi, mong Yang cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho buôn làng….”.
Sau nghi thức cúng sức khỏe, thầy cúng đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới nước lên đầu voi, chân trước và chân sau của voi, tặng 2 vòng đồng cho mỗi chú voi. Thầy cúng vừa làm, vừa đọc lời khấn cầu mong cho voi luôn được khỏe mạnh, giúp đỡ chủ nhà và buôn làng trong những công việc quan trọng.
Cúng sức khỏe cho voi xong, thầy cúng lấy 1 phần thức ăn trong lễ vật cúng cho nài voi và khấn cầu, mong cho các nài voi có sức khỏe để chăm sóc thật tốt cho voi và dặn dò các nài voi, hãy chăm sóc, bảo vệ đàn voi, vì voi là một thành viên trong gia đình.
Thực hiện xong các nghi thức, thầy cúng mời họ hàng, bà con buôn làng thưởng thức rượu cần trong tiếng chiêng Knah ngân vang.
Ông Nguyên Anh Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Lắk khẳng định: Chính quyền huyện Lắk đã và đang quyết liệt thực hiện bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với Tổ chức Động vật châu Á (AAF), xóa bỏ các hình thức du lịch cưỡi voi, các hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe của voi hướng tới hình ảnh du lịch thân thiện với voi.
Tổ chức phục dựng cúng sức khỏe cho voi, chính là một hình thức tuyên truyền thiết thực tới du khách trong và ngoài nước về nét đẹp nhân văn, tình cảm gắn bó của voi và người dân trong cuộc sống thường ngày. Du khách đến với xứ sở voi của Đắk Lắk sẽ thấy những điều thú vị đáng tìm hiểu xoay quanh vòng đời của mỗi con voi, cũng như các nghi lễ liên quan đến voi.
Một số hình ảnh tại Lễ cúng sức khỏe cho voi
Theo số liệu thống kê, hiện nay quần thể voi nhà tại Đắk Lắk chỉ còn 36 con voi, trong đó huyện Buôn Đôn còn 21 con, huyện Lắk còn 14 con và huyện Krông Ana 1 con.