Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Bao giờ chấm dứt được tình trạng nhiều cầu tiền tỷ xây xong, dân vẫn phải đi đò?

Lê Hường - Hoàng Tiến - 10:35, 08/10/2024

Cầu đã xây dựng hoàn thiện, nhưng đường dẫn lên cầu không có, mỗi ngày hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn phải bỏ tiền thuê đò qua sông hoặc di chuyển trên cầu cũ xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nguyên nhân là do không gỡ được “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng mà những cây cầu được đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng vẫn không sử dụng được.

 Cầu vượt sông Krông Bông tại xã Hòa Phong - Vụ Bổn xây vững trải nhưng thiếu đường dẫn
Cầu vượt sông Krông Bông tại xã Hòa Phong - Vụ Bổn xây xong nhưng thiếu đường dẫn lên cầu

Cây cầu không nối được bờ vui

Cuối năm 2023, cầu vượt sông Krông Bông nối hai xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), tỉnh Đắk Lắk cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp. Tuy nhiên, chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có đường dẫn lên cầu. Hơn nửa năm qua, cây cầu vững trãi vẫn nằm đó, trong khi người dân vẫn phải qua sông bằng đò với số tiền 10 nghìn đồng/lượt.

Bà Nguyễn Thị Tám (57 tuổi) ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông làm nghề thu mua phế liệu, cứ vài ngày bà lại đi đò qua sông đến Krông Pắc để thu mua phế liệu. Bà Tám chia sẻ: "Tôi sống đi lại trên đò nhiều năm, có lần không may bị rớt xuống sông được mọi người cứu kịp. Qua sông trên đò chòng chành, tôi cũng sợ nhưng vì mưu sinh tôi vẫn phải đi. Khi cầu được xây, người dân ai cũng mừng, mong từng ngày được đi trên cầu mới. Nhưng cầu làm xong nằm không hơn nửa năm ở đó, dân thì phải vẫn đi đò".

Người dân vẫn phải đi đò ngay bên dưới cầu vượt mới xây
Người dân vẫn phải đi đò ngay bên dưới cầu vượt mới xây

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung, xã Yang Hanh, huyện Krông Bông cho biết: Ông thường hay qua huyện Krông Pắc để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sầu riêng và mua những loại phân bón phù hợp về chăm rẫy sầu riêng của gia đình. Đi đò rất bất tiện mà còn nguy hiểm nên ai cũng ngại. Chúng tôi mong cầu sớm đi vào hoạt động, để việc đi lại, giao thương của bà con thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, người dân hai huyện có nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn. Xã đã tích cực phối hợp kiểm đếm, thống kê đất, tài sản trên đất thuộc diện di dời để thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là "điểm nghẽn" khiến cầu chưa thể thông xe.

Dự án tiền tỷ bỏ không

Theo hồ sơ, cầu vượt sông Krông Bông qua xã Vụ Bổn - Hòa Phong có tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.

Cây cầu thuộc Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, với tổng mức đầu tư 318,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí bố trí xây dựng cầu 36,5 tỷ đồng. Cầu có chiều dài gần 200m, rộng hơn 8m, được khởi công từ tháng 5/2023. Đến cuối năm 2023, cây cầu được xây dựng hoàn thành khoảng 97% khối lượng, thì tạm dừng thi công do vướng ở công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông nhấn mạnh: Vướng mắc lớn nhất tại dự án cầu vượt sông Krông Bông, là chưa giải phóng mặt bằng tại trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, nên cầu chưa được nối vào Tỉnh lộ 12.

Việc qua sông bằng đò tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ
Việc qua sông bằng đò tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Huyện đã có văn bản gửi chủ đầu tư dự án, kiến nghị cơ quan chủ quản sớm thanh lý tài sản công, thu hồi đất để bàn giao thi công dự án. Đồng thời, huyện cũng giao các phòng, ban chuyên môn lập phương án bồi thường, hỗ trợ sớm trình UBND huyện xem xét phê duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn căn cứ chủ trương cho thanh lý tài sản công của cấp có thẩm quyền, tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc của Trạm Kiểm lâm số 2, bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Đối với xã Hòa Phòng, huyện yêu cầu địa phương tạo điều kiện, phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin khảo sát, lựa chọn vị trí phù hợp để làm trụ sở tạm thời cho Trạm Kiểm lâm số 2. Tuy nhiên, các thủ tục này mất nhiều thời gian.

Không chỉ cầu vượt sông Krông Bông qua xã Hòa Phong - Vụ Bổn, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn một số cây cầu xây dựng vững trãi nhưng chưa được đưa vào sử dụng vì những nguyên nhân khác nhau. 

Điển hình như cầu Trắng trên Tỉnh lộ 1, bắc qua sông Ea H'Leo nối xã Ea Rốk và xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. Cây cầu này được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Đắk Lắk, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Cầu được thi công từ năm 2020, đến cuối năm 2022, nhà thầu xây xong cầu chính, thực hiện được 86% khối lượng của dự án. Tuy vậy, đến nay cầu Trắng vẫn “đắp chiếu” vì thiếu đường dẫn, do chưa giải phóng mặt bằng xong. Trong khi đó, người dân vẫn di chuyển trên cây cầu cũ xuống cấp.

Hay như cầu 110 nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2017, với tổng đầu tư hơn 24 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Thân cầu 110 đã xây dựng được 88%, phần đường nối lên cầu tại địa phận tỉnh Gia Lai đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, phía địa phận Đắk Lắk, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, còn khoảng 12% khối lượng xây lắp chưa thực hiện được khiến cầu 110 bị “treo”.

Nếu không có những giải pháp quyết liệt, thì những cây cầu tiền tỷ được đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk, không những không đạt được mục tiêu phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, mà còn gây lãng phí tiền của của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.