Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Ngọc Chí - 16:27, 27/04/2024

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.

Xã cấp bò nhưng khi nhận người dân cho rằng đó là “bê”
Xã cấp bò nhưng khi nhận người dân cho rằng đó là “bê”

Trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã có loạt bài phản ánh về những bức xúc của người dân xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà (Kon Tum) khi xã cấp bò nhưng người dân lại nhận “bê”. Theo đó, 108 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Ngọk Wang được nhận hỗ trợ mỗi hộ 01 con bò cái sinh sản trị giá 16,5 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, Thanh tra huyện Đăk Hà chỉ thanh tra việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình MTQG 1719. Kết luận Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm, khuyết điểm của UBND xã Ngọk Wang trong quá trình triển khai thực hiện và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và các nhân có liên quan.

Trong Kết luận thanh tra cũng đề cập đến việc UBND xã Ngọk Wang xây dựng, ban hành các Quyết định phê duyệt về nội dung định mức, kỹ thuật về trọng lượng bò cái sinh sản từ 140kg đến 150kg (trọng lượng trung bình 145kg) là chưa căn cứ sát với chỉ tiêu khối lượng phối giống lần đầu đối với bò cái sinh sản được quy định tại điểm 3, phần I, mục 48 của Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Kon Tum (cụ thể khối lượng phối giống lần đầu từ 180kg đến 200kg).

Trọng lượng bò cái sinh sản cấp cho dân từ 140kg đến 150kg là chưa căn cứ sát với chỉ tiêu khối lượng phối giống lần đầu đối với bò cái sinh sản từ 180kg đến 200kg theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh Kon Tum
Trọng lượng bò cái sinh sản cấp cho dân từ 140kg đến 150kg là chưa căn cứ sát với chỉ tiêu khối lượng phối giống lần đầu đối với bò cái sinh sản từ 180kg đến 200kg theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh Kon Tum

Việc phê duyệt về nội dung định mức, kỹ thuật về trọng lượng bò cái sinh sản từ 140kg đến 150 kg (trọng lượng bình quân 145kg) đã không đúng theo Quyết định của UBND tỉnh, thế mà đơn vị cung ứng là Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nhân Phát còn cấp bò cho dân không đủ trọng lượng (có 29/62 con bò 1,2-1,4 tạ, không đủ trọng lượng bảo đảm theo định mức kỹ thuật của Dự án đã được phê duyệt). Chính điều này đã gây bức xúc trong Nhân dân.

Nhưng điều mà dư luận tiếp tục đặt ra hiện nay là trong quá trình thanh tra, cơ quan Thanh tra huyện Đăk Hà đã không thanh tra việc triển khai hỗ trợ 46 con bò cho 46 hộ dân ở các thôn khác từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được xã triển khai cùng thời điểm năm 2023 với Chương trình MTQG 1719 mà Báo Dân tộc và Phát triển đã đề cập trong loạt bài phản ánh. Cùng với đó, trách nhiệm của đơn vị cung ứng là Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nhân Phát cũng chưa được đề cập đến, bởi không thể cấp thiếu trọng lượng và đổi lại là hết "trách nhiệm". Nếu như Báo Dân tộc và Phát triển không phát hiện và phản ánh sự việc thì liệu rằng UBND xã Ngọk Wang và đơn vị cung ứng có tổ chức đổi lại bò cho người dân!? 

Tin cùng chuyên mục
Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Theo phản ánh của người dân, trong những trận mưa lớn vào đầu năm 2024, nước từ đường Đại Dực đi xã Đại Thành cũ theo cống thoát nước, chảy xuống đường dân sinh ra đến đường trục chính của xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm trôi bùn đất xuống ruộng và Trung tâm Văn hóa xã, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.