Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ bò sinh sản nhưng nhận “bê” ở Đăk Hà (Kon Tum): Dân đã nhận được bò

Ngọc Chí - 17:05, 25/12/2023

Sau loạt bài phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển: “Đăk Hà (Kon Tum): Hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là bê”, chính quyền xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà gấp rút tổ chức đổi lại bò cho người dân đã nhận hỗ trợ trước đây.

Anh A Quyết ở thôn Đăk Duông đã được nhận con bò cái sinh sản (bên trái) thay cho con bê (bên phải)
Anh A Quyết ở thôn Đăk Duông đã được nhận con bò cái sinh sản (bên trái) thay cho con bê (bên phải)

Anh A Quân, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang cho biết: Sau khi xã thông báo thì bà con đã dắt bò về tại sân bóng thôn để chờ đơn vị cung ứng chở bò lên đổi. Trong thôn có 16/21 hộ đã đổi lại bò, các hộ khác không đổi nữa vì họ nuôi gần 1 tháng nay nên thấy quen con bò ấy rồi, muốn giữ lại. Cũng cảm ơn báo chí phản ánh mà người dân chúng tôi đã nhận được đúng là con bò chứ không phải “bê”.

Anh A Ui ở thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang cho biết thêm: Bò trước cấp nhỏ quá có 120 kg, như con bê thôi. Nay mình đổi lại con bò được hơn 170 kg, thấy bây giờ đúng là bò rồi. Về lo chăm sóc sang năm để bò đẻ có bê con, chứ nuôi con "bê" như trước thì biết khi nào mới đẻ.

Anh A Ui ở thôn Đăk Duông phấn khởi khi được đổi lại đúng con bò cái sinh sản
Anh A Ui ở thôn Đăk Duông phấn khởi khi được đổi lại đúng con bò cái sinh sản

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ bò cái sinh sản thuộc Chương trình MTQG 1719 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trên địa bàn xã Ngọk Wang có 108 hộ được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Mỗi hỗ được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản có trọng lượng từ 140 - 150 kg, trị giá 16,5 triệu đồng/con, với tổng kinh phí thực hiện Dự án là 1,7 tỷ đồng. Trong đó, người dân đối ứng 35% vốn, mỗi hộ sau 2 năm phải trả lại hơn 5,7 triệu đồng.

Sau loạt bài phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển về những bất cập khi triển khai hỗ trợ bò sinh sản tại xã Ngọk Wang, ngày 22/12, Huyện ủy Đăk Hà đã có Công văn số 1776 yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, báo cáo làm rõ nội dung phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển về vụ việc Hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê” tại xã Ngọk Wang. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập mà Báo nêu, báo cáo gửi về Ban Thường vụ Huyện ủy trước ngày 26/12/2023.

Chính quyền xã Ngọk Wang tổ chức đổi lại bò cho các hộ dân
Chính quyền xã Ngọk Wang tổ chức đổi lại bò cho các hộ dân

Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi các cơ quan chức năng của huyện Đăk Hà tiến hành kiểm tra, xác minh thì chính quyền xã Ngọk Wang đã tập trung rà soát lại số lượng bò đã cấp và có phương án đổi lại đối với những con bò không đủ trọng lượng mà người dân cho rằng đó là “bê”.

Anh A Quyết ở thôn Đăk Duông chia sẻ: Trước mình nhận bò về thấy nhỏ quá, chỉ 120 kg thôi, nhưng cũng ráng nuôi được 1 tháng rồi. Nay đi đổi lại thì nhận lại đúng con bò cái sinh sản, cân lên cũng được gần 180 kg. Nhận bò như thế này thì bà con nuôi sau này mới có tiền để trả tiền đối ứng lại cho Nhà nước.

Người dân ký giấy tờ khi đổi lại bò
Người dân ký giấy tờ khi đổi lại bò

Các Chương trình mục tiêu quốc gia là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS, nhằm từng bước giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, từ sự việc này, thiết nghĩ các địa phương cần nhận thức rõ ràng trách nhiệm khi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phải bảo đảm hỗ trợ đúng, đủ và kịp thời. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.