Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đăk Glei (Kon Tum): Đừng để tổn thất tài chính mới lo tham gia bảo hiểm y tế

Thái Đông Hải - 14:25, 07/11/2022

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân đạo và cộng đồng sâu sắc. Học sinh tham gia BHYT để tạo nguồn kinh phí chi trả viện phí khi không may bị ốm đau phải khám, điều trị, đồng thời tạo nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo vệ sức khỏe cho các em ngay trong trường học. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) vẫn còn tình trạng, khi các em học sinh không còn thụ hưởng chính sách miễn phí BHYT, phụ huynh đã không tiếp tục tham gia BHYT, đến khi con mắc bệnh, tốn kém mới thấu hiểu giá trị của tấm thẻ BHYT...

Học sinh Trường tiểu học xã Ðăk Môn, huyện Đăk Glei được tham gia BHYT đầy đủ.
Học sinh Trường tiểu học xã Ðăk Môn, huyện Đăk Glei được tham gia BHYT đầy đủ.

Đăk Glei là huyện miền núi, vùng sâu, biên giới của tỉnh Kon Tum. Khi Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” ra đời (QĐ 861), huyện Đăk Glei có 2 xã là Đăk Pek và Đăk Môn chuyển sang khu vực I. Theo đó, có 9.969 người sụt giảm thẻ BHYT, chiếm gần 20% số sụt giảm toàn tỉnh, trong đó, có 2.373 học sinh của huyện trở thành diện phải tham gia BHYT tự nguyện.

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, trong đó có học sinh được khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT sau điều chỉnh từ QĐ 861, BHXH huyện đã chủ động thông báo đến UBND 2 xã Đăk Pek, Đăk Môn và người dân biết các trường hợp không còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thẻ BHYT của Nhà nước; tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, từ đó kịp thời tham gia BHYT tự nguyện nhằm đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT.

Bằng các hành động cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện đã mang lại kết quả tích cực trong việc phát triển BHXH, BHYT, trong đó có BHYT học sinh.

 Năm học 2021 - 2022, toàn huyện Đăk Glei có 11.105 học sinh, trong đó, tính đến cuối năm 2021, có 8.327 học sinh tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác (nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân, thân nhân công an, bảo trợ xã hội…); 2.778 học sinh thuộc diện phải tham gia đã được vận động tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%.

Khám chữa bệnh cho học sinh tham gia BHYT tại huyện Đăk Glei.
Khám chữa bệnh cho học sinh tham gia BHYT tại huyện Đăk Glei.

Trong năm học 2021 - 2022, huyện Đăk Glei có 4.326 lượt em học sinh đi khám chữa bệnh, được quỹ BHYT chi trả trên 782 triệu đồng. Có nhiều học sinh được thanh toán số tiền tương đối lớn như em: Y Thiên Kim, lớp 3, Trường tiểu học Đăk Môn, bị rắn độc cắn, nhiễm khuẩn da; Trần Văn Nam, lớp 11, Trường PTTH Lương Thế Vinh, bị viêm họng cấp, nhiễm vi rút corona; Nguyễn Đình Đăng Khôi, lớp 4, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Đăk Pek, bị sốt xuất huyết, viêm họng cấp, tiêu chảy...

Khẳng định giá trị thiết thực của thẻ BHYT, thầy giáo Văn Minh Quân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Môn cho biết, nhiều em học sinh có gia cảnh rất khó khăn, mắc bệnh phải điều trị dài ngày, nhờ có thẻ BHYT chia sẻ gánh nặng chi phí, giúp các em vượt qua cơn bệnh, tiếp tục cùng các bạn đến trường, đến lớp.

Với nhận thức tương tự, anh Lại Đức Hào, phụ huynh cháu Lại Duy Lộc, lớp 4, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Đăk Pek, bày tỏ: “Không ai mong con em mình phải đi chữa bệnh, nhưng tham gia BHYT vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm. Nhỡ ốm đau thì được cộng đồng chia sẻ, còn khỏe mạnh thì thẻ BHYT xem như là lệ phí may mắn, là dịp để chung tay chia sẻ với những người không may”.

Anh Hào chia sẻ thêm rằng, mong các bậc phụ huynh thật sự quan tâm tham gia BHYT học sinh cho con em, chỉ 40.000 đồng/tháng/cháu. Nếu đủ điều kiện, tham gia 480.000 đồng/năm, chỉ cần tiết kiệm hơn 1.300 đồng/ngày là được. 

Còn nếu chưa đủ tiền thì tham gia 240.000 đồng/6 tháng, thậm chí kẹt hơn nữa thì chia nhỏ ra thành 120.000 đồng/quý. Thiết nghĩ, đây là số tiền không lớn, ai thật sự quan tâm đến sức khỏe con em mình thì đều làm được.

Bên cạnh nhân tố tích cực, trên địa bàn vẫn còn tình trạng phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tính nhân văn của BHYT, chưa ý thức hết tính cộng đồng chia sẻ rủi ro, tham gia BHYT là được bảo vệ về mặt tài chính khi rủi ro không mong đợi xảy ra. Có phụ huynh tỏ ra thờ ơ, nhưng khi con cái không may bị đau ốm, không có thẻ BHYT, gia đình đã phải chi ra rất nhiều tiền để chi phí khám, chữa bệnh.

 Chẳng hạn như gia đình chị Y Tố Lan ở xã Đăk Môn, không may có con là A Ri Nan, lớp 8, Trường THCS Đăk Môn bị đau ruột thừa. Chị Y Tố Lan chia sẻ trong áy náy: “Thời gian đầu, khi chuyển tiếp thực hiện QĐ 861, gia đình chưa quan tâm tham gia BHYT học sinh cho các con. Không may cháu A Ri Nan bị đau ruột thừa, đã phẫu thuật và điều trị chi phí hết 7,5 triệu đồng, tương đương số tiền gần 16 năm của một học sinh tham gia BHYT. Sau bài học này, gia đình tôi có 6 người đều đã tham gia mua BHYT”.

Chứng kiến cảnh có người đi viện nhưng không có BHYT, chi phí rất tốn kém, những người trong xóm chị Y Tố Lan, cũng đã tự giác tham gia BHYT đầy đủ cho con em và bản thân mình, tránh cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, phòng ngừa tổn thất tài chính khi không may bị ốm đau, tai nạn.

Phó Giám đốc BHXH huyện Đăk Glei, Nguyễn Vỹ Lưu cho biết, trong năm học 2022 - 2023, BHXH huyện đã phối hợp với nhà trường, UBMTTQ Việt Nam xã Đăk Pek và Đăk Môn tổ chức trao tặng 519 thẻ BHYT học sinh, với tổng 74.707 triệu đồng (trong đó, Trường PTDT nội trú 37 em; Trường THPT Lương Thế Vinh 37 em; Trường THCS Đăk Môn 115 em, Trường TH Kim Đồng 40 em; Trường TH Đăk Môn 115 em; Trường TH Võ Thị Sáu 170 em)

Ngoài số học sinh được trao tặng thẻ BHYT do các nhà hảo tâm trài trợ, các em học sinh khác thuộc đối tượng phải mua thẻ BHYT cũng đã tham gia đầy đủ đạt mục tiêu 100% học sinh huyện Đăk Glei tham gia BHYT.