Tràn lan hàng không rõ nguồn gốc
Dừng chân tại một cửa hàng bán xăng dầu kết hợp nghỉ ngơi trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang), chúng tôi tới thăm quan các sản phẩm được bày bán tại đây. Trong gian hàng chừng 300m2, chủ cửa hàng trưng bày đủ các loại sản vật như: Đá phong thủy, hàng thổ cẩm, tam thất, mật ong, cao gắm…
Điều đáng nói, các sản phẩm được người bán giới thiệu chung chung là đặc sản địa phương, nhưng không có nguồn gốc rõ ràng. Trên các bao bì sản phẩm đều không có tem mác truy xuất nguồn gốc. Ví dụ như, mặt hàng thổ cẩm được chủ cửa hàng giới thiệu là do đồng bào dân tộc Dao ở địa phương trực tiếp thêu, với giá bán rất rẻ. Nhưng bằng mắt thường chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy, thổ cẩm ở đây chỉ là những hoa văn được in vụng về, chất lượng thấp vẫn thường thấy ở các khu vực chợ vùng biên.
Tại trạm dừng chân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng thấy tình trạng tương tự. Chủ cửa hàng cũng bày bán nhiều đặc sản như quế, hồi, móc mật, măng ớt… Một người trong đoàn khách mua 1 hộp măng ớt Đồng Mỏ, trị giá 70 nghìn đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi mở dùng thử, vị khách phản hồi là măng rất đắng không ăn được.
Chúng tôi nhờ một người dân địa phương thẩm định, thì măng ớt ở đây không phải của Đồng Mỏ, lại để quá lâu nên dẫn đến tình trạng đắng. Giá bán cũng cao gấp đôi so với măng ớt Đồng Mỏ chính hiệu.
Cần tăng cường quản lý
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đặc sản của đồng bào DTTS chưa tiếp cận sâu tại các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, có lẽ là do quy trình quản lý thiếu chặt chẽ.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có bộ, ngành nào được giao trực tiếp quản lý các điểm, trạm dừng chân. Ngành Du lịch cũng chưa có hình thức kinh doanh ở các trạm dừng chân dọc các tuyến du lịch. Các trạm dừng chân này vẫn được coi là các nhà hàng, địa điểm kinh doanh bình thường.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, các địa phương miền núi còn thiếu nhiều thiết chế hạ tầng để bán các sản phẩm đặc sản. Do đó, các điểm dừng nghỉ với quy mô xây dựng đồng bộ, lượng khách tương đối đông rất phù hợp, thuận lợi, giúp người dân bán các mặt hàng đặc sản. Đặc biệt, các sản phẩm được bày bán ở đây còn mang giá trị quảng bá đối với khách du lịch và các khách hàng bán buôn. “Các địa phương, cơ sở kinh doanh cần chú trọng tận dụng các điểm dừng chân để xúc tiến thương mại”, ông Tuấn đề xuất.