Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đa dạng các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số

Trí Phương - 19:05, 07/09/2023

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó không thể không kể đến dân số ở vùng dân tộc thiểu số. Do đặc điểm riêng của nhóm dân số này nên cần thực hiện việc đa dạng các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hưởng ứng chiến dịch phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hưởng ứng chiến dịch phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Để thực hiện thành công các mục tiêu về công tác dân số đến năm 2030, các địa phương thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu.

Với tỉnh Lào Cai, là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn. Nhờ làm tốt chính sách dân số mà chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS ngày càng nâng lên, đặc biệt là công tác tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ). Kết quả đạt được là số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ luôn tăng hàng năm, quy mô gia đình có 2 con ngày càng phát triển tại các địa phương vốn có quan niệm sinh nhiều con.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được triển khai lồng ghép thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc họp tại xã, thôn, bản đến các đối tượng là người sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, Người có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt chú trọng tuyên truyền về Luật hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến giống nòi, đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em...

Trong 6 tháng đầu năm 2023 số người tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 165 người); tuyên truyền vận động ngăn chặn được 156 người từ bỏ ý định tảo hôn. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn để xảy ra 348 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu.

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn; giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.

Thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Tiếp tục duy trì, xây dựng các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 07/4/2022 của UBND tỉnh Lào Cai; tăng cường đổi mới các hoạt động tại Mô hình để thu hút nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con là thanh thiếu niên. Tỉnh cũng duy trì thực hiện 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”.

Trường TH&THCS Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La) tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Trường TH&THCS Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La) tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Tuyên truyền là hình thức phổ biến kiến thức được thực hiện từ nhiều năm nay trong việc nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS. Tuy nhiên, do đặc điểm của công tác dân số hiện nay cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên việc đổi mới hình thức tuyên truyền hết sức cần thiết.

Tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh bậc THCS và THPT, góp phần giúp các em nhận thức được những tác hại của việc mất cân bằng giới tính, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và phòng tránh xâm hại tình dục.

Vân Hồ là huyện vùng cao, với trên 80% học sinh là người DTTS. Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, huyện có 20 cặp học sinh trong độ tuổi 13 - 16 bỏ học để kết hôn. Thời gian gần đây, tuy tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng số học sinh bỏ học để kết hôn vẫn còn. Nguyên nhân là do các em chưa hiểu về hệ lụy của tảo hôn. Trong khi đó, gia đình muốn có thêm lao động nên không ngăn chặn việc các em kết hôn sớm, còn nặng nề tư tưởng có con trai để nối dõi. Cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ, chưa đủ tuổi thành niên thường rất khó khăn do phụ thuộc gia đình, không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ.

Trước thực tế trên, công tác giáo dục giới tính cho học sinh bậc THCS và THPT đã và đang được các cơ quan, đoàn thể trong huyện tích cực triển khai thông qua nhiều hình thức. Từ đó, giúp các em hiểu biết để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển thể chất cũng như có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống và xây dựng tình bạn trong sáng ở học đường.

Còn tại huyện Mộc Châu, công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm thiểu mất cân bằng giới tính gặp không ít khó khăn. Ngành Giáo dục huyện đã tổ chức, duy trì hoạt động của câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại các trường THCS, THPT.

Cô giáo Trần Thị Thủy, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập cho biết, nhà trường thường xuyên quan tâm đến học sinh ở những giờ trực bán trú vào buổi chiều, buổi tối. Ở độ tuổi của các em, nhất là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, việc chú trọng giáo dục giới tính là rất cần thiết. Qua đó, giúp các em không chỉ biết để phòng tránh cho mình, mà còn tuyên truyền cho các bạn cùng phòng, ở trường và khi về nhà.

Sơn La hiện có gần 398 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 100 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Việc giáo dục giới tính nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, giúp học sinh có kiến thức về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đang được ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện.

Ngoài ra, Sơn La còn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, qua loa phát thanh, sân khấu hóa và lồng ghép vào các buổi họp thôn, xóm để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, những Người có uy tín trong cộng đồng tới từng hộ dân tuyên truyền đã giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Một buổi truyền thông về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì tổ chức tại chợ phiên
Một buổi truyền thông về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tổ chức tại chợ phiên

Còn lại Hà Giang, thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025, về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hà Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Thông qua thực hiện kế hoạch nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi trong thực hiện quy định về hôn nhân và gia đình; tạo đồng thuận, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân; tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với gia đình, xã hội.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hoạt động chiếu bóng các phim ngắn, phim tài liệu về đề tài này đang phát huy hiệu quả tích cực tại các địa bàn vùng sâu, xa ở Hà Giang. Qua giải pháp tuyên tuyền trực quan, sinh động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho đồng bào.

Tuy mới được triển khai từ tháng 3, các Đội chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã tổ chức được trên 200 buổi chiếu bóng lưu động, thu hút trên 39.000 lượt người xem. Cùng với công tác dân vận của mỗi địa phương, hoạt động này đã mang lại hiệu quả, từng bước vận động xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Giang còn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các chợ phiên. Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và 4 nội dung nhiệm vụ do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em để phát cho đồng bào ở chợ phiên.

Mặc dù đây là cách làm không mới, nhưng đối với đặc thù tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang, hoạt động này rất phù hợp và thu hút đông đảo bà con tham gia khi vừa được thưởng thức văn hóa, vừa tiếp cận với kiến thức trọng tâm, dễ hiểu. Qua những thông điệp tuyên truyền, đồng bào đã có thêm kiến thức, nâng cao ý thức và tích cực xây dựng đời sống văn hoá, từng bước xoá bỏ các hủ tục.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.