Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về những phụ nữ vượt định kiến trở thành tuyên truyền viên tích cực

Ngọc Thu - 16:05, 31/08/2023

Từng chịu rất nhiều hệ lụy, thiệt thòi từ những định kiến, bất bình đẳng về giới, nhiều phụ nữ là người DTTS trong các thôn làng ở huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã mạnh mẽ vượt qua định kiến, trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Qua đó, dần làm thay đổi nhận của cộng đồng về phụ nữ, khẳng định về vị thế của họ trong cộng đồng.

Bà Đinh Thị Đắp (bên trái) và Đinh Thị Siết được dân làng huyện Đak Pơ suy tôn là Người có uy tín trong đồng bào DTTS
Bà Đinh Thị Đắp (bên trái) và Đinh Thị Siết được dân làng suy tôn là Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Tuyên truyền viên tích cực

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Kuk ĐaK, xã An Thành, Đak Pơ cũng là Người có uy tín được dân làng tin tưởng, tín nhiệm, bà Đinh Thị Đắp (SN 1979) thường xuyên phối hợp với mặt trận và các đoàn thể tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của đảng, pháp luật nhà nước và các quy định của địa phương. Để thay đổi định kiến, bất bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bà Đắp làm gương sáng trong xây dựng gia đình ấm no, con cái trưởng thành. 

Không chỉ là Người có uy tín, bà Đắp còn là nghệ nhân dệt thổ cẩm có đôi bàn tay khéo léo
Không chỉ là Người có uy tín, bà Đắp còn là nghệ nhân dệt thổ cẩm có đôi bàn tay khéo léo

Bà Đắp chia sẻ: “Trước đây, thấy mình đi vận động bà con tập trung làm ăn, tránh xa tệ nạn xã hội, không ai nghe đâu. Đặc biệt khi mình là phụ nữ thì họ càng không muốn làm theo. Muốn người dân nghe mình trước hết mình phải là người gương mẫu trong cuộc sống. Với những mâu thuẫn, sai trái phải được giải thích rõ ràng, phân tích một cách thấu tình đạt lý để người dân hiểu. "Mưa dầm thấm lâu", mình nói mãi, nói mãi, nhẹ nặng có cả. Rồi cái phải cũng xuôi tai mọi người. Dần dần thì người ta mới nghe mình, mọi việc mới được giải quyết”.

Bà Đắp còn là thành viên trong tổ hòa giải của làng, luôn động viên con cháu không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không hút chích, sử dụng các chất cấm, không mua bán tàng trữ chất ma túy. Đồng thời, bà Đắp còn khẳng định vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở địa phương trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, vận động dân làng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Ba Na.

Ông Đinh Rung chia sẻ: bà Đắp luôn là tấm gương sáng để bà con trong làng làm theo. Nghe lời chị Đắp, dân làng áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, phát triển kinh tế. Ngoài ra, bà  Đắp cũng thường xuyên vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa, không kết hôn sớm, không tảo hôn.

Ngăn chặn tảo hôn

Tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An có 120 hộ, trong đó 98% là người Ba Na. Nhằm tuyên truyền người dân đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, "thay đổi nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ hủ tục, để vươn lên trong cuộc sống, Người có uy tín Đinh Thị Siết (1983) có đôi chân không mỏi để “đến từng nhà, gõ từng cửa” vận động bà con tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự buôn làng. Đặc biệt, thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên về tác hại của tảo hôn.

Mới đây nhất là việc em Đinh Thị K. (SN 2008, làng Đê Chơ gang, xã Phú An) quen với một bạn trai ở địa phương khác. Qua mạng xã hội, 2 người hẹn gặp nhau và nảy sinh tình cảm. Được một thời gian qua lại, em K. nghỉ học để kết hôn với bạn trai. Nắm được tình hình, chị Siết đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, tổ tự quản thôn làng đến tận nhà tuyên truyền kịp thời ngăn chặn việc tảo hôn.

Chị Siết cho hay: “Mình vẫn thường đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, gia đình nào có con đến tuổi lấy vợ, lấy chồng thì mình dành thời gian đến nhiều hơn, nói rõ những quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình để bà con hiểu, làm theo. Mình cũng dẫn chứng cụ thể những trường hợp tảo hôn có cuộc sống khó khăn, vất vả để thanh - thiếu niên chủ động tránh xa việc này. Đối với gia đình nào đồng ý cho con tảo hôn thì sẽ vận động cả làng không đi, thậm chí phạt hành chính đối với gia đình đó. Ngoài ra, hàng tháng họp thôn làng sẽ nêu tên làm gương cho thanh niên trong làng”.

Ông Đinh H’Lem - cha của em K. nói: “Ban đầu thấy 2 đứa nó quấn quýt nhau, đòi nghỉ học để kết hôn nên mình đồng ý. Sau này, được bà Siết cùng các cán bộ thôn làng đến giải thích, mình đã hiểu rõ tác hại của việc cho con lấy chồng khi chưa đủ tuổi. Vì vậy, mình đã dừng lại không tổ chức đám cưới cho con gái. Bây giờ, không học thì mình tìm việc làm cho con đến khi đủ 18 tuổi mới được kết hôn”.

Chị Đắp và Siết cùng đội ngũ Người có uy tín huyện Đak Pơ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc)
Chị Đắp và chị Siết cùng đội ngũ Người có uy tín huyện Đak Pơ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc)

Huyện Đak Pơ hiện có 20 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó, có 2 Người có uy tín là phụ nữ. Ông Nguyễn Thế Công - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đak Pơ khẳng định: 2 nữ Người có uy tín luôn đi đầu trong nhiều phong trào, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Họ là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền trong việc đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, phát huy trí tuệ, công sức góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới... 

Huyện Đak Pơ luôn quan tâm tạo điều kiện cho Người có uy tín trong các hoạt động; kịp thời thông tin các chủ trương chính sách mới của Đảng, Chính phủ, của tỉnh, của huyện để Người có uy tín nắm bắt và tuyên truyền bà con chấp hành. Đồng thời, động viên nữ Người có uy tín là tấm gương sáng khắc phục khó khăn, phát huy vai trò, sức mạnh của mình, chung tay xây dựng buôn làng, địa phương ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.