Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cứu lấy Đồng Dương

Tiêu Dao - 12:39, 02/11/2024

Một thời huy hoàng và danh giá, nay Phật viện Đồng Dương đã chẳng còn lại gì ngoài một chân Tháp Sáng với cơ man gạch vỡ xung quanh và chằng chịt những cây chống để đấu chọi lại sự tàn phá của thời gian. Di tích quốc gia đặc biệt này đã được tỉnh Quảng Nam đề xuất phương án bảo tồn bằng Dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị Tháp Sáng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay kế hoạch trùng tu di tích vẫn chưa thể triển khai.

Di tích Tháp Sáng thuộc Phật viện Đồng Dương đã xuống cấp trầm trọng, phải chống đỡ bằng hệ thống cột thép.
Di tích Tháp Sáng thuộc Phật viện Đồng Dương đã xuống cấp trầm trọng, phải chống đỡ bằng hệ thống cột thép

Chạnh lòng Tháp Sáng

Trên một vùng đồng bằng lúa tốt phì nhiêu xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lâu nay vẫn được biết đến là địa điểm của một Phật viện từng được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. Phật viện Đồng Dương được hai nhà khoa học thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ chuyên nghiên cứu văn hóa cổ Đông Dương là L.Finot phát hiện năm 1901 và H.Parmentier khai quật năm 1902. Theo các tư liệu nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác cổ, các chuyên gia người Pháp để lại và qua nhiều hội thảo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho thấy, Phật viện Đồng Dương được xây dựng vào năm 875. Phật viện Đồng Dương vừa là kinh đô, vừa là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ xưa, mà nó còn có sức lan tỏa và ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh trong các quốc gia Đông Nam Á đương thời.

Những viên gạch còn lại ở Tháp Sáng
Những viên gạch còn lại ở Tháp Sáng

Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot người Pháp, đã phát hiện 229 cổ vật, đặc biệt có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét (108cm) mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Phật viện Đồng Dương là một khu di tích đặc biệt quan trọng trong lịch sử mỹ thuật, văn hóa và tôn giáo Chămpa, là khu di tích có quy mô và giá trị to lớn. Nhưng trải qua thời gian, biến động thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, khu di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay đã trở thành phế tích. Phần còn lại của phế tích là một cổng, được người dân gọi là Tháp Sáng. Mảng tường thuộc mặt Tây của tháp hiện đang được gia cố, chống đỡ bằng hệ thống dàn chống bằng thép ống. Phía mặt Bắc là bộ khung cửa bằng đá sa thạch cũng được dựng lại tại vị trí gốc. Còn lại chỉ là những đống gạch đổ nát, những tấm bia đá lớn cùng nhiều hiện vật khác, nay vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp cây cỏ dày đặc trùm lấp, bao phủ toàn bộ khu vực di tích.

Khu di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay đã trở thành phế tích.
Khu di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay đã trở thành phế tích

Hỏi những người dân Đồng Dương, nhiều người cũng biết Phật viện Đồng Dương được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2001 và trở thành Di tích đặc biệt cấp quốc gia năm 2016. Tuy nhiên hiện nay, Di tích đặc biệt cấp quốc gia này chỉ còn là phế tích, để lại một Tháp Sáng đứng chơ vơ thi gan cùng nắng gió. Giữa bạt ngàn gió núi, cây rừng, Tháp Sáng dù xuống cấp nhưng vẫn còn lại ít ỏi nét chạm trổ của kiến trúc xưa cũ. Vắng người, khuôn viên rộng lớn càng hoang lạnh dưới nắng chiều. Chỉ thấy cỏ mọc um tùm kín hết lối đi.

Trước đây, nhiều đoàn nghiên cứu đã đến khảo sát nhằm có hướng tôn tạo, hy vọng có thể làm “sống” lại di tích đầy giá trị này. Rồi những viễn cảnh tươi sáng khi một ngày nào đó di tích này sẽ trở thành điểm du lịch lý thú, hấp dẫn như Thánh địa Mỹ Sơn chẳng hạn, từ đó sẽ kéo theo đông đảo khách du lịch đến tham quan, người dân có thể có thêm thu nhập từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch. Nhưng đó vẫn chỉ là giấc mơ xa xôi khi Phật viện Đồng Dương đã “hết cấp để xuống cấp”.

Mảng tường thuộc mặt Tây của tháp Sáng, hiện đang được gia cố, chống đỡ bằng hệ thống dàn chống bằng thép ống.
Mảng tường thuộc mặt Tây của Tháp Sáng, hiện đang được gia cố, chống đỡ bằng hệ thống dàn chống bằng thép ống

Cứu lấy Đồng Dương

Chứng kiến sự xuống cấp của khu di tích Phật viện Đồng Dương, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học đã nhiều lần ngồi lại bàn phương án "giải cứu" khu di tích này. Sau thời điểm Phật viện Đồng Dương được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2001, năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3 tỷ đồng khai quật một số khu vực tại di tích và chống đỡ khẩn cấp cổng Tháp Sáng bằng hệ thống sắt thép chằng chịt. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ kinh phí gần 5 tỷ đồng để xây dựng tường rào bảo vệ khu vực I, bao gồm 2 hạng mục: tường rào, cổng ngõ và con đường nội bộ đi vào di tích. Hiện nay, cổng Tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa bị rơi rớt, nguy cơ ngã đổ nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.

Đoàn chuyên gia từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương.
Đoàn chuyên gia từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương
(Bài CTV ruột- Đã BT) Cứu lấy Đồng Dương 5

Năm 2020, UBND huyện Thăng Bình đã thành lập Tổ quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, thực hiện nhiệm vụ được giao, khoanh vùng, bảo vệ, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm hại đối với di tích. Tiếp đến, năm 2023, đoàn chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương. Ngày 24/01/2024, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội có công văn số NV/104/DP/2024 do Phó đại sứ Subhash P.Gupta ký, gửi ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc cho ý kiến về hoạt động trùng tu và khôi phục tại khu vực của Phật viện Đồng Dương.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 22/10/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 8139 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị Tháp Sáng thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. 

Theo đó, Dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500m2. Đồng thời thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225m2, bao gồm các công việc: Tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; tháo dỡ dàn sắt chống đỡ hiện trạng; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc… Tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 2023-2025.

Cuộc khảo cổ năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot đã phát hiện 229 cổ vật. (ảnh tư liệu)
Cuộc khảo cổ năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot (người Pháp) đã phát hiện 229 cổ vật. (Ảnh tư liệu)
Cổ vật được nhà khảo cổ L.Finot (người Pháp) phát hiện năm 1901 (Ảnh tư liệu)
Cổ vật được nhà khảo cổ L.Finot (người Pháp) phát hiện năm 1901. (Ảnh tư liệu)

Cùng với đó là kế hoạch di dời hơn 120 ngôi mộ đang nằm trong vùng lõi di tích, bồi thường đất sản xuất lâu đời của Nhân dân nằm trong vùng lõi để khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích với diện tích 5,3ha; thực hiện dự án khảo cổ, khai quật, thám sát..., rồi lập quy hoạch tổng thể. Nhưng có lẽ việc phục dựng lại di tích Phật viện Đồng Dương hoàn toàn không đơn giản. Nếu trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn là công việc thách thức cho các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế thì Đồng Dương sẽ càng vô cùng gian nan. 

Cái khó của di tích Phật Viện Đồng Dương là sự hoang tàn, đổ nát gần như cả bình địa. Vì vậy, công việc phục chế, trùng tu bài bản khảo cổ học kinh điển cần có một phương án khả thi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. 


Tin cùng chuyên mục