Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cúng đất lập làng - nghi lễ đặc biệt của người Cơ Tu

T.Nhân-H.Trường - 09:08, 04/04/2024

Khi tìm được một nơi ở mới, địa thế thuận lợi, người Cơ Tu sẽ tổ chức các nghi thức cúng Giàng để cầu mong mưa thuận, gió hoà, dân làng có sức khoẻ, cuộc sống được yên ổn. Hiện nay, người dân ít khi chuyển chỗ ở, nhưng cúng đất lập làng, một trong những nghi lễ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu vẫn được bà con gìn giữ.

Người Cơ Tu chuẩn bị cho nghi thức cúng đất lập làng
Người Cơ Tu chuẩn bị cho nghi thức cúng đất lập làng

Già Bling Bhlóo, thôn Bhơ Hôông, xã Sông Kôn, Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Tục cúng đất lập làng đã có từ hàng trăm năm trước, được thực hiện trong những lần người Cơ Tu chuyển làng đến nơi ở mới. 

Việc chọn đất lập làng rất quan trọng đối với cộng đồng nên nghi lễ mang ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn đối với người Cơ Tu. Vùng đất được chọn phải hội tụ đủ các yếu tố về nguồn nước ổn định để sinh hoạt, trồng tỉa hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc bố trí phòng chống thú dữ… Đến bây giờ, dù phong tục đã trải qua nhiều đời, nhưng vẫn luôn có giá trị cộng đồng rất cao, là một trong những nghi thức đặc biệt trong cộng đồng người Cơ Tu.

Theo các già làng người Cơ Tu, trước khi dời làng, già làng tập trung nhiều người lại để bàn hỏi ý kiến, sau khi thống nhất thì đi khảo sát nhiều lần và tìm hiểu thật kỹ về địa hình, địa thế. Khi tìm được mảnh đất thích hợp, các già làng sẽ bàn nhau về việc làm lễ cúng đất. Để chuẩn bị cho lễ cúng đất, các già làng sẽ tổ chức cuộc họp cùng với người dân tại gươl (nhà rông). Một Người có uy tín nhất, thay mặt hội đồng già làng đứng ra thông báo về quyết định rời làng cũ đến vùng đất mới để sinh sống.

Nghi thức cúng đất lập làng được tái hiện nhằm giữ gìn và phát huy nét văn hoá tốt đẹp của người Cơ Tu
Nghi thức cúng đất lập làng được tái hiện nhằm giữ gìn và phát huy nét văn hoá tốt đẹp của người Cơ Tu

Vào ngày cúng đất, già làng sẽ dẫn theo một nhóm người đến vị trí đất đã được chọn và thống nhất trước đó. Họ đi theo hàng ngay ngắn và mang theo lễ vật để cúng thần linh. Tới nơi, trưởng làng sẽ lấy trong chiếc gùi ra một con ốc, một quả trứng đã bóc vỏ một nửa và một ống tre đã bổ đôi. 

Tiếp đến, già làng khấn bài cúng để xin các thần linh cho phép dân làng chuyển đến vùng đất này. Cùng với lúc già làng khấn, người dân đốt lửa nướng quả trứng cho đến lúc sôi và nước tràn về phía đất mới.

Người Cơ Tu quan niệm rằng, khi quả trứng sôi tràn về phía đất mới, nghĩa là thần linh đã đồng ý. Hết thảy mọi người đều vui mừng hò reo. Đối với con ốc và hai thanh nứa, các nghi thức cũng tương tự. Cuối cùng, già làng thay mặt người dân khấn tạ ơn thần linh, khấn nguyện Giàng và các vị thần nơi đất mới phù hộ cho mọi người bình yên, làm ăn thuận lợi. Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng đất thành công, người dân trong làng tiến về gươl để ăn mừng, đồng thời chuẩn bị di chuyển về miền đất mới.

Làng mới được lập nên, các già làng tiếp tục một nghi thức không kém quan trọng, đó là cúng đất làm nhà. Người dân quay quần bên nhau, các già làng bàn ý kiến để tổ chức nghi thức cúng, đầu tiên là cúng gươl, sau đó đến cúng đất mới để dân làm nhà. Dân làng chuẩn bị lễ vật gồm heo, gà, gạo, rượu và một số vật dụng khác đến khu đất chọn làm nhà gươl. 

Già làng khấn bài cúng, trong đó chủ yếu mong thần sông, thần núi, thần đất cho phép người dân được khai hoang mảnh đất để làm nhà và trồng trọt. Xong bài khấn, già làng phát hoang một khu đất, hàm nghĩa thần linh đã đồng ý và mọi người bắt đầu dựng nhà ở làng mới.

Nghi thức cúng đất lập làng vẫn được người Cơ Tu gìn giữ (Trong ảnh, một ngôi làng của người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam)
Nghi thức cúng đất lập làng vẫn được người Cơ Tu gìn giữ (Trong ảnh: một ngôi làng của người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam)

Sau khi hoàn tất lễ cúng, người dân tụ tập lại để ăn mừng về làng mới. Đêm đó, mọi người cùng nhau hát lý, cùng nhau đánh trống, đánh chiêng, múa theo làn điệu mừng làng, mừng nhà mới; họ chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất về sức khoẻ và sự nó ấm về sau. 

“Nghi thức cúng đất lập làng, cúng đất làm nhà không chỉ có ý nghĩa xin phép thần linh về nơi ở mới, mà còn thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng người Cơ Tu từ xưa đến nay. Hiện nay dân làng ít khi chuyển chỗ, nhưng nghi thức thì vẫn gìn giữ”, già Bling Blóo nói.

Cũng theo già Bling Blóo, nghi thức cúng đất mới có thể khác nhau ở một số chỗ, nhưng tựu chung cũng là xin với thần linh việc về vùng đất mới một cách êm đẹp nhất. Ví như, ở một số vùng đồng bào Cơ Tu, khi về vùng đất mới, họ thực hiện nghi thức cúng với đá lửa và cây đót. Khi thực hiện nghi lễ, người dân sẽ dùng đá đánh lửa rồi đưa vào cây đót để bốc cháy. Cùng lúc này, già làng sẽ đọc bài khấn Giàng và các thần linh để cầu mong chứng giám, người dân đến nơi ở mới sẽ yên ổn, không gặp rủi ro. Theo quan niệm của họ, lửa từ cây đót sẽ xua đuổi được tà ma, bảo vệ được dân làng.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Tục cúng đất lập làng vẫn được giữ lại cho đến ngày nay, trở thành nét văn hoá độc đáo của cộng đồng người Cơ Tu vùng cao Quảng Nam. “Việc tái hiện lại nghi thức này, không chỉ có giá trị mở ra một phương hướng mới gắn phát triển du lịch của địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chương trình, dự án bố trí sắp xếp dân cư miền núi”, ông Tùng chia sẻ.

Thực hiện Dự án 6 về  bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với du lịch thuộc Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tổ chức tái hiện các nghi lễ, các tập tục tốt đẹp của các đồng bào trên địa bàn tỉnh, trong đó có nghi thức cúng đất lập làng. Việc tái hiện nghi thức cúng đất lập làng không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo của người Cơ Tu mà còn đưa nghi thức này trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách. Qua đó, giúp đồng bào có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.