Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những chuyện ghi được từ miền biên viễn: Chung sức gìn giữ biên cương của Tổ quốc (Bài cuối)

Thúy Hồng - 00:58, 25/03/2023

Điểm cuối trong chuyến hành trình dọc tuyến biên giới Lai Châu-Lào Cai chúng tôi đến là thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Những câu chuyện người dân từ miền xuôi lên miền ngược khai phá, mở đất lập làng để biến vùng đất hoang vu, lau lách trở thành một vùng đất trù phú nơi biên ải này như một khúc ca bi tráng về lớp lớp thế hệ con dân đất Việt đoàn kết, chung sức giữ gìn biên cương của Tổ quốc…

Đường vào bản Tân Tiến được trải bê tông phẳng lì
Đường vào thôn Tân Tiến đều đã được trải bê tông phẳng lì

Từ miền xuôi lên miền ngược

Thôn Tân Tiến được thành lập từ năm 1997, theo chủ trương dãn dân ra khu vực biên giới. Thôn có 3,8 km đường biên giới giáp huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với hơn 70 hộ gồm 5 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Mông, Hà Nhì, Giáy), cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có một đặc thù riêng nhưng luôn gắn bó, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới no ấm, chung sức giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Kể về chuyện từ miền xuôi lên biên giới lập làng, ông Nguyễn Ngọc Lạng, thôn Tân Tiến vẫn nhớ rất rõ, ngày ấy vào năm 1964, khi ông mới chỉ là chàng thanh niên 20 tuổi, cùng hơn 100 hộ khác theo tiếng gọi của Đảng rời quê hương Vụ Bản, tỉnh Nam Định lên mảnh đất biên giới Lào Cai khai hoang, lập nghiệp, làm kinh tế và bảo vệ biên giới.

"Ngày đó nơi đây chỉ có lau lách, rừng núi hoang vu, không có nhà dân nào ở, xe ô tô chỉ lên được đến Tp. Lào Cai, còn đi đến xã là phải đi bộ, xe đạp cũng không đi được", ông Lạng cho biết.

Tuy nhiên, vượt qua chặng đường gian nan đó, gia đình ông Lạng cùng những hộ khác dừng chân bên bờ sông Hồng thuộc thôn Tân Tiến bây giờ, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Ông Nguyễn Ngọc Lạng, một trong những người đầu tiên mở đất lập làng ở Tân Tiến
Ông Nguyễn Ngọc Lạng, một trong những người đầu tiên mở đất lập làng ở Tân Tiến

Vào năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới, các hộ lại tản đi mỗi nhà một nơi, nhiều hộ chạy vào rừng ẩn náu, cả bản hoang vu, nhưng gia đình ông Lạng vẫn quyết tâm bám trụ mảnh đất biên giới Trịnh Tường, coi biên giới là quê hương thứ hai, nơi sinh cơ, lập nghiệp. Lên Trịnh Tường, ông Lạng được bầu làm Bí thư Đoàn xã, rồi làm xã đội trưởng…; giai đoạn từ năm 1987 - 2003, ông Nguyễn Ngọc Lạng được đảng viên tín nhiệm, bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường.

Theo ông Lạng, ngày ấy, mảnh đất ven sông này chưa có tên gọi, sau khi một vài hộ định cư để lập nghiệp, thôn mới của tôi được đặt tên là Tân Tiến. Ngày mới lập làng cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, không có điện, không có đường… thiếu thốn trăm bề, nhưng vì nghĩ ngày mai tươi sáng hơn, anh em bảo nhau đoàn kết, bắt tay vào khai hoang, bạt đồi làm ruộng, kiếm gỗ dựng nhà.

Đến năm 2008, thôn Tân Tiến được quy hoạch vào Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Trịnh Tường, nhịp sống ở đây dần sôi động, những ngôi nhà tươi màu ngói mới mọc lên. Ông Lạng bảo, chúng tôi là những người ở miền xuôi lên khai hoang, lập nghiệp, chúng tôi phải là những người tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình để bà con dân bản noi theo, đặc biệt là cán bộ đảng viên cần gương mẫu trong lời nói, việc làm.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mít cho ông Nguyễn Ngọc Lạng
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mít cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Lạng

Gắn bó với mảnh đất Tân Tiến, với xã Trịnh Tường hơn 60 năm, ông Lạng coi đây là quê hương của mình, ông không trở về Nam Định, mà xác định gắn bó đến hết đời với nơi đây.

"Đến nay, đường xá đã thuận lợi rồi. Đời sống Nhân dân bây giờ đã được nâng lên rõ rệt. Bà con rất phấn khởi. Hộ nghèo trong thôn chỉ còn khoảng chục hộ, chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt như neo đơn, bệnh tật không làm kinh tế được, còn nói chung bà con chịu khó làm kinh tế rất khá”, ông Lạng chia sẻ.

Khai phá vùng đất khó

Ở mảnh đất Tân Tiến, ngoài những gia đình như ông Nguyễn Ngọc Lạng ở dưới xuôi lên làm kinh tế mới, còn có nhiều hộ đồng bào dân tộc ở vùng cao di chuyển ra biên giới để sinh sống. Như gia đình ông Vàng Kim Sinh, dân tộc Dao cũng là một trong những hộ dân đầu tiên đến mảnh đất này khai phá lập làng.

Cách đây hơn 20 năm, vào năm 1997, gia đình ông Sinh từ thôn Tùng Chỉn theo chủ trương của Nhà nước, chính quyền địa phương vận động người dân đến sinh sống, lập nghiệp ở địa bàn giáp biên. Ban đầu, cuộc sống khó khăn, gia đình ông phải dựng tạm lán nhỏ làm chỗ ở, từ đó cần mẫn khai hoang, trồng cấy và chăn nuôi.

Lúc gia đình ông mới chuyển đến đây sinh sống, đời sống bà con còn rất khó khăn. Đến năm 2014 thôn được đầu tư đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế từ cây chuối.

Ông Vàng Kim Sinh cùng bộ đội biên phòng kiểm tra vườn chuối của gia đình
Ông Vàng Kim Sinh đưa các cán bộ Bộ đội Biên phòng tham quan, kiểm tra vườn chuối của gia đình

Ông Sinh còn là người đầu tiên của thôn mạnh dạn đưa cây chuối vào sản xuất. Nhờ được tập huấn về kỹ thuật canh tác, cây chuối phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống người dân bắt đầu khấm khá lên. 

Theo ông Sinh, trồng chuối nếu biết kỹ thuật sẽ nhàn hơn trồng ngô, sắn, lúa mà cho thu nhập cao hơn. Nếu giá cả thuận lợi, mỗi năm thu nhập cũng được hơn 100 triệu đồng. “Có thời điểm cây chuối được giá, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 14 ha. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng”.

Nói về những đổi thay của mảnh đất vùng biên giới này, ông Lầu A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường, cho biết: Tân Tiến được đánh giá là thôn điển hình của xã Trịnh Tường trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Đặc biệt là đường giao thông ở Tân Tiến đều là đường bê tông phẳng lì. 

Một góc Trung tâm xã biên giới Trịnh Tường hôm nay
Một góc Trung tâm xã biên giới Trịnh Tường hôm nay

“Ở trong thôn có rất nhiều hộ có tư duy phát triển kinh tế hộ, nhất là họ chịu khó thay đổi cách làm, trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng được những mô hình "vườn, ao, chuồng" rất hiệu quả, nhờ đó đã vượt qua đói nghèo vươn lên trở thành hộ gia đình có của ăn, của để. Với sức người và sự nỗ lực vươn lên, bà con Tân Tiến đã biến mảnh đất này trở nên màu mỡ với màu xanh ngút ngàn của chuối, quế…", ông Lầu A Páo phấn khởi nói.

Đặc biệt, để bảo vệ thành quả xây dựng quê hương mới, bảo vệ thành quả trong phát triển kinh tế, người dân Tân Tiến rất tích cực  tham gia vào mô hình “Đường biên giới bình yên”. 

Hiện nay, Tổ tự quản “Đường biên giới bình yên” thôn Tân Tiến sinh hoạt mỗi tháng một lần. Thông qua những buổi sinh hoạt, tuần tra, là dịp để người dân cùng bộ đội biên phòng gặp gỡ, trao đổi về tình hình an ninh trật tự, những dấu hiệu bất thường trên khu vực biên giới để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Gia đình ông Sinh được Đồn Biên phòng Trịnh Tường tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc
Gia đình ông Sinh được Đồn Biên phòng Trịnh Tường tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc

Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trịnh Tường cho biết: Qua công tác phối hợp của địa phương, bà con rất tích cực tham gia cùng các lực lượng để bảo vệ biên giới bình yên. Nhờ đó, thời gian gần đây, khu vực biên giới không có các vụ việc vi phạm xảy ra; trên địa bàn thôn Tân Tiến các vụ việc liên quan đến tệ nạn xã hội đã giảm 90% so với cùng kỳ, nhờ đó, bà con rất an tâm lao động, mở rộng  sản xuất tăng thu nhập.

"Thu nhập bình quân của người dân trong thôn hiện đã đạt 40 triệu đồng/năm, thôn cũng đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có được thành quả đó là nhờ sự chung sức đồng lòng của chính quyền và Nhân dân", Trung tá Nguyễn Văn Thắng phấn khởi nói. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.