Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lập làng bên nguồn sông

Tiêu Dao - Thúy Hiền - 08:42, 06/05/2023

Ngày người làng Z’lao (xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam) dời lên lưng núi, già làng ánh mắt đăm chiêu đau đáu chuyện chọn đất lập làng. Lệ tục nghìn xưa đã vậy, chọn đất dựng làng là chuyện của đời người, của sự tồn vong cả làng nên không thể dễ dàng được.

Già Le kể chuyện chọn đất lập làng
Già Le kể chuyện chọn đất lập làng

Ngôi làng trên lưng núi

Bên trong Gươl mới của làng Z’lao, người già, người trẻ ngồi chen chúc nhau, quây quần bên ché rượu cần, say sưa theo từng lời kể của già làng Bríu Le. Trong thâm tâm của họ, câu chuyện chọn đất dựng làng dù không mới nhưng mỗi khi được kể lại, ai cũng hào hứng đến lạ.

Ngày ấy cách đây chừng hơn chục năm, làng Z’lao nằm dưới một lũng sâu, nơi con sông A Vương chảy vắt qua những vùng có người Cơ Tu của 2 huyện Tây Giang và Đông Giang sinh sống. Trong ký ức của già Bríu Le và người dân Z’lao, ngôi làng cũ nhỏ nhắn nằm sát dòng sông vốn xinh đẹp, thơ mộng. Ngày chính quyền địa phương về vận động, người Z’lao và nhiều thôn làng chấp nhận nhường đất làm thủy điện. Tháng 8/2003, đập ngăn nước thủy điện xây dựng, tháng 12/2008 bắt đầu tích nước. Người Z’lao phải dời làng lên lưng núi để tránh con nước thủy điện.

Ngày chọn đất dựng làng, già Bríu Le và những người già khác trong làng trăn trở lắm. Theo phong tục cổ truyền, người Cơ Tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất ở nơi núi cao, nơi đầu sông, suối. Làng được lập theo vòng tròn hay hình ô van, ở giữa có Gươl, xung quanh là các ngôi nhà lân cận kề nhau, mái hình mai rùa, lợp bằng lá mây, lá tranh. Già Le bàn với những người già khác trong làng phải dời làng lên cao hơn nữa, để khi con nước dâng lên sẽ không bị ngập làng. Mà cũng không xa con nước để trồng trọt canh tác.

Người già trong làng thống nhất, và cuộc chuyển cư của làng bắt đầu như thế. Già Le chọn đất bằng lửa và cây đót. Hai người cầm đá lửa đánh lửa cháy lên để thui cây chít đót. Bên ngọn lửa bùng cháy, già Le kêu trời, gọi đất, vọng thần linh, ông bà tổ tiên người Cơ Tu xin cho dân làng được chỗ ở mới, nhà cửa ổn định, yên bình... Người Z’lao theo chân già Le lên lưng chừng núi cắm đất, nhặt nhạnh những gì có thể mang theo để dựng làng mới.

Người dân thôn Z’lao, xã Dang vào hội vui mừng Gươl mới và khánh thành các công trình dân sinh
Người dân thôn Z’lao, xã Dang vào hội vui mừng Gươl mới và khánh thành các công trình dân sinh

Trong câu chuyện dưới mái nhà Gươl, già Le vẫn thủ thỉ câu nói của tiền nhân, rằng, người Cơ Tu chọn đất dựng làng luôn là câu chuyện dài suốt cuộc hành trình “săn đất”. Bởi ngoài yếu tố chọn vùng đất tốt gắn với rừng, địa hình bằng phẳng, làng Cơ Tu bao giờ cũng nằm cạnh con sông, khúc suối. Nguồn nước phải ổn định để sinh hoạt, trồng trỉa các loại hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc ngăn chặn thú rừng cũng như các yếu tố xung đột từ bên ngoài... Những yếu tố đó sẽ quyết định đến việc dừng chân lập làng và sự tồn vong của cả làng.

Khi cất xong nhà, một Người có uy tín như già làng, trưởng thôn hoặc người lớn nhất trong gia đình sẽ đứng ra nhóm bếp lửa. Thường thì già làng là người nhóm bếp đốt lửa ở Gươl, còn trong các gia đình thì người bố nhóm bếp, nếu không có bố thì mẹ hay người lớn nhất trong nhà nhóm bếp. Người ta làm thịt trâu, thịt con heo chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người cùng quây quần mừng có được làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng.

Dưới những mái nhà hình mu rùa

Chọn được đất, lập được làng mới nhưng người Z’lao cũng đã phải trải qua không ít khó khăn cho cuộc chuyển cư của đời người. Quá trình tích nước làm thủy điện đã khiến mực nước sông A Vương tăng đột biến vào mùa mưa, làng Z’lao khó khăn chồng chất, bị biệt lập vào những ngày mưa bão. Người Z’lao phải sống chung với cảnh không điện, không đường, không trường, không trạm.

Bríu Bác, Trưởng thôn Z’lao kể, Z’lao là ngôi làng thuộc khu tái định cư thủy điện A Vương. Ngày lập làng, mặc dù bà con đã được Nhà nước xây dựng điện, đường, trường, nhà ở… nhưng chưa hoàn thành. Thôn có 50 hộ gia đình người DTTS, hơn 200 nhân khẩu, là thôn nghèo nhất của xã Dang với 80% số hộ nghèo.

Nhưng rồi, mọi thứ đã đổi thay khi mấy năm gần đây được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Đường giao thông đi lại thuận tiện hơn, cái bụng của bà con cũng no hơn, áo mặc cũng ấm hơn. Cuộc sống ổn định, cả làng Z’lao, nhà nào cũng chuẩn bị khá đầy đủ các loại thực phẩm: thịt heo, gạo nếp, hũ rượu cần, thịt khô treo dàn bếp, bánh kẹo, mứt, hạt dưa... để đãi khách tới nhà chơi.

Người dân Z’lao phấn khởi khi cuộc sống thật sự đổi thay
Người dân Z’lao phấn khởi khi cuộc sống thật sự đổi thay

Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho Nhân dân thôn Z’lao nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực để người dân làm nhà mới, xây dựng các công trình dân sinh… qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay, thôn Z’lao đã xóa được “5 không”.

Anh Alăng Xa Léc vừa lau chùi chiếc xe máy vừa tự hào nói: “Bây giờ thôn mình đã có đường bê tông vào tận ngõ. Có đường, những chiếc xe máy cũng sạch sẽ, sáng mới hơn. Tiểu thương từ nhiều nơi khác đến tận làng để thu mua nông sản, giá cả ổn định hơn, thu nhập của người dân không còn bấp bênh nữa. Cả làng, ai cũng có nhà ở khang trang, sắm sửa tiện nghi đầy đủ”.

Ông Phạm Sáu - Chủ tịch UBND xã Dang chia sẻ: Thôn Z’lao là một trong những thôn đặc biệt của xã Dang (huyện Tây Giang). Toàn thôn có 51 hộ/190 nhân khẩu, hiện 51 hộ đã có nhà bán kiên cố. Thôn có đường giao thông thuận lợi, có điện lưới quốc gia. Người dân trong thôn đồng tâm hợp lực, đoàn kết phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày được nâng lên. Cuối tháng 2/2023 vừa qua, thôn Z’lao đã tổ chức lễ mừng Gươl mới và khánh thành các hạng mục công trình dân sinh.

Chọn đất dựng làng là chuyện hệ trọng của cả một đời người, một đời làng. Tuy hiện nay, việc du canh du cư không còn, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, nhưng nghi thức cúng đất lập làng vẫn được cộng đồng người Cơ Tu và các già làng, Người có uy tín lưu giữ lại nhằm giữ gìn và bảo tồn nét độc đáo trong nghi thức cúng đất dựng làng của thế hệ cha ông để lại.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.