Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sắc mới làng Tranh Giữa

Thành Nhân - 15:06, 15/04/2021

Cách đây 30 năm, một số hộ người đồng bào dân tộc Hrê đã đến làng Tranh Giữa, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) để vỡ đất, lập làng. Sau bao nhiêu gian khó, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, ngôi làng với 23 nếp nhà của đồng bào Hrê dưới chân dãy núi Thạch Bích giờ đã khoác lên sắc màu mới, sắc màu của sự ấm no, hạnh phúc.

Một góc làng Tranh Giữa hôm nay
Một góc làng Tranh Giữa hôm nay

“Cơ duyên” đến vùng đất mới

Chúng tôi đến làng Tranh vào những ngày giữa tháng 4. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi của đồng bào Hrê hiện lên giữa cánh rừng xanh mướt, bên dòng suối Pang Vang chảy róc rách, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Già Đinh Xuân là một trong những người đầu tiên đến lập làng Tranh Giữa. Nhớ lại thưở mới lập làng đầy gian khó, già bảo: Khoảng những năm 1987 - 1990, nhiều hộ đồng bào Hrê bế tắc với cuộc sống “biệt lập” đầy gian khó ở làng Tranh Trên, không biết kiếm sống bằng gì, nhiều người rời bỏ làng đi làm ăn xa. 

Rồi tình cờ biết được, cách Làng Tranh Trên chừng 20km hướng về đồng bằng là một vùng đất hứa. Thế là giấc mơ về vùng đất mới ngày đêm thôi thúc mình và một số người khác rủ nhau đến đây lập làng mới. 

“Ngày đó, cảnh vật ở đây còn hoang sơ lắm, chỉ thấy đất đai khá tốt, một vùng cỏ tranh mọc ken dày, xa xa là tiếng nước chảy từ con suối Pan Vang. Tôi nghĩ mình không nên đi đâu nữa. Lúc ấy, tôi cùng người em họ mới hạ cây dựng lều, phát quang cánh đồng, trồng mì, trồng khoai lang, chụm tay dựng vài ba bếp lửa gầy dựng cuộc sống mới tới nay”, già Xuân chia sẻ thêm.

Phát hiện được vùng đất mới như một cơ duyên do Yàng chỉ dẫn, những người như già Xuân cùng với thanh niên trong làng tham gia lấp hố, khai hoang vùng đất mới. Sau những ngày đầu gian khó, Nhà nước đã có những chính sách quan tâm phát triển vùng kinh tế mới, người dân được hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật... ,đã an cư và có cuộc sống ổn định. 

Cứ thế, nhiều năm về sau, một số hộ dân ở làng Tranh Trên bắt đầu “rời làng” và di chuyển xuống vùng đất nằm dưới chân dãy núi Thạch Bích này, xây dựng làng mới ngày càng khang trang.

Đường vào làng Tranh
Đường vào làng Tranh

Theo lời già Xuân, già xuống đây năm 1990, đến năm 1992 thì cả gia đình gồm vợ và 2 con xuống theo. Năm 2012, là thời điểm nhiều người dân từ làng Tranh Trên kéo xuống làng Tranh Giữa xây dựng nhà, làm kinh tế. 

"Nếu tôi nhớ không nhầm, thời điểm ấy có 17 hộ, bây giờ là 23 hộ sinh sống ở đây. Chúng tôi lấy tên ngôi làng là “làng Tranh Giữa”, phần để ghi nhớ làng cũ, phần để thể hiện sự quây quần, đoàn kết”, già Xuân nói.

Sắc mới ở làng Tranh

Đã 30 năm kể từ ngày những hộ dân đầu tiên đến lập nghiệp ở làng Tranh Giữa như gia đình ông Đinh Xuân, chị Đinh Thị Vinh hay anh Đinh Nhân đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, con cái có việc làm, trẻ con được học hành.

Anh Đinh Xuân Rơn, Trưởng thôn Gò Tranh vui mừng chia sẻ: Nhiều ngôi nhà cấp 4 đã mọc lên, cả xóm 23 hộ giờ chỉ còn 1 hộ nghèo. Bà con nơi đây sống nhờ trồng 25ha keo, 10ha mì và chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình có tổng thu nhập bình quân mỗi năm 40- 50 triệu đồng. Điều đáng mừng là, họ sống rất chan hòa, giữ tình làng nghĩa xóm, nhiều năm liền không xảy ra điều tiếng gì.

Công trình thủy điện của người dân làng Tranh
Người dân làng Tranh Giữa dùng tua bin để phát điện

Đồng bào nơi đây vẫn nói: Người làng Tranh Giữa dùng điện chạy bằng sức nước, tua bin đặt ngoài suối, nhưng may mắn con suối Pan Vang vẫn róc rách bốn mùa không bao giờ cạn. 

Chúng tôi nghĩ rằng, đó là món quà mà thiên nhiên đã ban cho dân làng. Như chị Đinh Thị Vinh chia sẻ, chị luôn dạy bảo con cháu mình, phải biết trân trọng những gì mà Yàng ban cho dân làng nên phải chăm chỉ, cố gắng làm ăn, sống tốt để xây dựng Làng Tranh Giữa ngày càng giàu đẹp.

Còn anh Đinh Văn Nhân tâm sự: Ở đây đã lâu, cũng có nhiều người lớn tuổi nhớ làng, nhớ rừng già nên thỉnh thoảng quay về làng Tranh Trên, còn những người trẻ như thì bám trụ nơi đây, lo làm ăn phát triển kinh tế. Bây giờ, không lo thiếu thốn nữa, món gì cũng sẵn có trong nhà. Nhiều người ở phố lên đây lại “thèm” lắm cái không khí ấm cúng, thanh bình này.

Rời làng Tranh khi nắng chiều đã tắt, bên trong những ngôi nhà sàn truyền thống của người Hrê, mọi người đã tụ họp về sau một ngày lên nương, cùng quây quần bên mâm cơm chiều, bàn về chuyện làm ăn. Chúng tôi cảm thấy vui và tin tưởng về một tương lai tươi sáng của vùng đất này.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.