Vào xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút lập nghiệp, gia đình chị Hồ Thị Sia ở thôn 20, cũng như tất cả hộ đồng bào Mông nơi đây chỉ biết trồng cây bắp, mì, đậu trang trải qua ngày. Đầu năm 2018, gia đình chị Sia được Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ 150 cây mít Thái siêu sớm chuyển đổi cây trồng trên diện tích 3 sào đất. Đến nay, vườn mít đã cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định.
Chị Sia cho biết: Loại mít này đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc khoa học, đúng giai đoạn mới giúp cây phát triển tốt, đạt hiệu quả như mong muốn. Cuối năm 2020, chị đã được thu lứa đầu. Do mới bói nên mỗi cây chị chỉ để 3 - 5 quả, mỗi quả 3 - 5kg. Mít thời điểm đó được giá 42 - 50 nghìn đồng/kg, mỗi cây mít gia đình chị thu 800 nghìn đồng, nguồn thu cao gấp nhiều lần so với cây hoa màu.
Tương tự, gia đình ông Lý A Giành ở thôn 15, xã Đắk D’rông cũng nằm trong Dự án trồng mít Thái siêu sớm của huyện. Sau khi cán bộ xã khảo sát diện tích đất, gia đình ông được Phòng Dân tộc huyện Cư Jút cấp 100 cây mít giống, trồng trên diện tích 2 sào đất. Nhờ được hướng dẫn cách xử lý đất bằng vôi bột, bón phân đầy đủ đúng thời kỳ, nên cây mít phát triển khá tốt.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông Giành trồng xen canh các cây hoa màu trong vườn mít, trong thời gian mít chưa cho thu. Chỉ 2 năm sau, mít đã cho thu hoạch lứa đầu. Vụ thu hoạch mít đầu tiên đó, gia đình ông thu hơn 80 triệu đồng từ mít và đậu.
Theo ông Lê Xuân Cường, nguyên Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Cư Jút, Chủ nhiệm Đề án, thực hiện Chương trình phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã (ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135), năm 2018, huyện Cư Jút được phân bổ 97 triệu đồng để triển khai các nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.
Đồng thời, UBND huyện Cư Jút cũng đã hỗ trợ thêm 413 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương để Phòng Dân tộc huyện thực hiện Đề án trồng mít Thái siêu sớm theo hướng bền vững, với diện tích 10ha cho 51 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là người dân tộc Mông ở các thôn 15, 19 và thôn 20 xã Đắk D’rông.
Để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng của thị trường, Đề án xây dựng chương trình cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia Dự án, Phòng Dân tộc đã ký cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện), với mức giá bao tiêu theo thị trường, bảo đảm thấp nhất mức 5.000 đồng/kg.
Ông Ngô Bá Gôn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai Đề án “Trồng mít Thái siêu sớm theo hướng bền vững”, đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người DTTS tại địa phương. Nhờ đó, mà xã Đắk Drông hiện chỉ còn 94 hộ/437 hộ nghèo (chiếm 2,63%).
“Ở thời điểm giá mít Thái lên đỉnh điểm 45 - 50 nghìn đồng/kg, thì bình quân mỗi cây mít, người dân thu về hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hiện nay giá mít đã giảm xuống từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng bù vào đó là mít siêu trái, siêu to nên mỗi cây mít vẫn thu được từ 400 - 600 nghìn đồng”, ông Gôn cho biết.