Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai: Cần chủ động nguồn lực ngân sách nhà nước

Sỹ Hào - 15:00, 04/12/2020

Sau mỗi đợt thiên tai, việc bố trí nguồn lực từ ngân sách để cứu trợ, hỗ trợ người dân và khôi phục hạ tầng ở các địa phương chịu thiệt hại là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, do vướng nhiều cơ chế, chính sách nên việc này gặp nhiều khó khăn và kéo dài.

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông đường bộ. (Trong ảnh: Quốc lộ 12A đi Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đoạn từ Km136+850 đến Km137+350 thuộc địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị sập gãy hoàn toàn - Ảnh tư liệu).
Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông đường bộ. (Trong ảnh: Quốc lộ 12A đi Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đoạn từ Km136+850 đến Km137+350 thuộc địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị sập gãy hoàn toàn - Ảnh tư liệu).

Mới chỉ là hỗ trợ

Thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp, kết hợp với biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, với tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại nặng nề, trước hết là về kinh tế. Đặc biệt, thiệt hại do thiên tai lại chủ yếu ở các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, nhất là ở các tỉnh nghèo miền Trung.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg, ngày 19/1/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai (gọi tắt là QĐ 01). Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2018, ngân sách Trung ương (NSTW) đã hỗ trợ từ nguồn dự phòng cho các địa phương 28.644 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Đây là nguồn lực vô cùng cần thiết để cứu trợ người dân, hỗ trợ địa phương kịp thời khôi phục hạ tầng để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, so với thiệt hại thực tế thì kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai mới dừng ở mức hỗ trợ.

Lấy năm 2017 làm dẫn chứng. Đây là năm có thể xem là thảm họa, khi mà thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thiệt hại do thiên tai gây ra cho nền kinh tế nước ta trong năm 2017 lên tới gần 60.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016. Miền Trung vẫn là khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất; trong đó, Quảng Bình gần 8.000 tỷ đồng, Hà Tĩnh 7.500 tỷ đồng…

Trong năm 2017, để khắc phục hậu quả thiên tai, ngoài các gói cứu trợ khẩn cấp cho người dân (lương thực, Vacxin phòng dịch bệnh…), NSTW đã bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương khôi phục hạ tầng, nhưng kinh phí không nhiều. Cụ thể, theo Quyết định 1872/QĐ-TTg ngày 24/11/2017, tỉnh Quảng Bình được NSTW hỗ trợ 70 tỷ đồng; tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 135 tỷ đồng, nhưng đã bao gồm 40 tỷ đồng được hỗ trợ trực tiếp theo Văn bản số 445/TB-VPCP ngày 20/9/2017 của Văn phòng Chính phủ…

Còn 11 tháng năm 2020, thiệt hại do thiên tai ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 cho 9 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh được tạm cấp 50 tỷ đồng/tỉnh, tỉnh Quảng Trị được tạm cấp 70 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam được tạm cấp 130 tỷ đồng…

Khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu là yêu cầu cấp bách để khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau thiên tai. (Ảnh minh họa)
Khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu là yêu cầu cấp bách để khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau thiên tai. (Ảnh minh họa)

Vướng mắc về cơ chế

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, những năm qua, để khắc phục hậu quả thiên tai, nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù Chính phủ đã rất quan tâm bố trí kinh phí để khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai, song còn ở mức thấp so với yêu cầu.

Ngoài nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế, thì theo đánh giá của các địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai, việc triển khai QĐ 01 còn những hạn chế, nhất là về mặt cơ chế, chính sách còn mang tính định tính. Trong QĐ 01 có nêu: “Chỉ xem xét hỗ trợ đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương”; việc hỗ trợ cho các địa phương được phân theo các nhóm, nhưng chưa có tỷ lệ hỗ trợ cụ thể… Do đó, kinh phí hỗ trợ cho các địa phương có sự chênh lệch, chưa thực sự bám sát nguyên tắc chung khi xác định mức hỗ trợ.

Những hạn chế này đã được tháo gỡ tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 01 (có hiệu lực từ ngày 15/2/2020). Theo đó, cơ chế hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đã được định lượng khá cụ thể (các tỉnh miền núi, Tây Nguyên được hỗ trợ tối đa 80% từ NSNN; các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW được hỗ trợ tối đa 70% từ NSNN; các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW dưới 50% được hỗ trợ tối đa 50% từ NSNN…).

Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg về cơ bản đã khắc phục được những vướng mắc trong hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương vẫn phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ. Quy định này có trong QĐ 01, vẫn không được sửa đổi trong Quyết định 37/2019/QĐ-TTg. Đối với các tỉnh nghèo, ngân sách hạn chế, lại chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, buộc phải bố trí kinh phí khôi phục cơ sở hạ tầng, phục hồi sản xuất rất dễ rơi vào nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Trên thế giới nhiều quốc gia họ có sẵn khoản kinh phí nhất định phục vụ cho công tác khắc phục thiên tai. Khi có các tình huống thiên tai cần cứu trợ, họ xuất kinh phí ra một cách nhanh chóng”.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Văn phòng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.