Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng chống thiên tai – Tầm nhìn từ công tác quy hoạch

Hoàng Thanh - 10:41, 23/12/2020

Phòng chống thiên tai (PCTT), là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Để PCTT một cách hiệu quả, cùng với các biện pháp cụ thể ứng phó, thì phải có chiến lược mang tầm vĩ mô, bảo đảm khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thiểu thiệt hại. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đợt mưa lũ vừa qua, ở miền Trung có nhiều con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ; nhưng chúng ta đã cơ bản giảm thiểu được thiệt hại về người so với những năm trước đây. Sau bão lũ, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì trong công tác PCTT, thưa Thứ trưởng?

Thực tế cho thấy, đợt mưa, lũ vừa qua diễn ra bất ngờ và lớn hơn nhiều so với các đợt mưa, lũ trước đây, nhất là đợt mưa lũ lịch sử năm 1999. Nhưng thiệt hại về người do mưa lũ năm nay đã giảm đáng kể.

Đó là nhờ chúng ta đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để PCTT một cách hiệu quả. Trước hết là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng với đó là hệ thống văn bản pháp lý về PCTT đã từng bước được hoàn thiện. Ngay trong năm 2020, chúng ta đã thông qua được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT; Luật Đê điều; chống sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Đặc biệt, ngày 24/3/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ban Bí thư có chỉ thị riêng về PCTT và các địa phương đang thực hiện rất tốt.

Ngay trong đợt thiên tai vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành các công điện, đồng thời tổ chức các đoàn công tác, triển khai tổng lực các lực lượng tại các địa bàn bị ảnh hưởng của bão, lũ, tổ chức nhắn hàng trăm triệu lượt tin nhắn đến các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng.

Thứ hai là về công tác cứu hộ, cứu nạn, nhiều năm qua, chúng ta đã giảm được cơ bản thiệt hại về người, nhiều người dân đã được ứng cứu kịp thời khi nước lũ ngập đến nóc nhà. Chúng ta đã làm tốt công tác cảnh báo, thông báo; trước, trong và sau lũ, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hàng trăm nghìn người dân di chuyển đến nơi ở an toàn, hạn chế phần lớn thiệt hại do bão, lũ trực tiếp gây ra; lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở cũng đã góp phần quan trọng trong công tác cứu hộ cứu nạn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người trong bão, lũ.

Ngoài ra, việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung cũng đã góp phần hạn chế thiệt hại về người trong thiên tai. Tính đến tháng 10/2020, thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg, chúng ta đã hỗ trợ được 19.350/21.600 hộ xây nhà ở phòng, tránh bão lũ.

Thiệt hại do thiên tai là không thể tránh khỏi, một phần là do hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác PCTT. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Cũng phải nhìn nhận rằng, dù đã được cảnh báo sớm, nhưng đợt thiên tai vừa qua, các địa phương vẫn bị thiệt hại nặng nề. Công tác ứng phó đã rất chủ động, tuy nhiên có mấy vấn đề đặt ra, cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong PCTT.

Đầu tiên phải khẳng định là, thiệt hại về người do những đợt mưa lũ vừa qua do sạt lở đất là rất lớn. Hiện, hơn 10 tỉnh có nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ sạt lở còn ở mức chung chung, tỷ lệ nhỏ, chưa ứng dụng hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những chỉ đạo và đầu tư cho công tác này.

Thứ hai là về công tác cứu hộ, cứu nạn cần phải tiếp tục được nâng cao tính chuyên nghiệp, bài bản hơn. Cần có lực lượng chuyên trách với trang thiết bị hiện đại hơn để phù hợp và đảm bảo an toàn với mọi điều kiện thời tiết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thăm động viên người dân tránh trú bão ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trước khi cơn bão số 13 đổ bộ tối ngày 14/11/2020
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thăm động viên người dân tránh trú bão ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trước khi cơn bão số 13 đổ bộ tối ngày 14/11/2020

Một vấn đề cũng cần lưu ý là, công tác PCTT dù đã được đưa vào kế hoạch hằng năm của các cấp ngành, địa phương, nhưng mới chỉ mang tính ngắn hạn. Vì thế, việc huy động nguồn lực để PCTT còn hạn chế, khả năng phòng ngừa chưa cao, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Điều này dẫn tới thực tế, mặc dù Chính phủ rất nỗ lực bố trí kinh phí, tuy nhiên nguồn lực cho PCTT còn hạn chế và phân tán, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể (mới triển khai được 40 - 50% chương trình đầu tư đê sông, đê biển; 30% chương trình an toàn hồ chứa); khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ, đặc biệt là các công trình giao thông khu vực miền núi; việc lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương còn hạn chế; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ PCTT. Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai; thiếu các trang thiết bị chuyên dùng để ứng phó với các tình huống phức tạp...

Ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1869/QĐ-TT phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng lũ, bên cạnh những biện pháp cụ thể, trước mắt thì cần có chiến lược mang tầm vĩ mô, đáp ứng được yêu cầu PCTT gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1869/QĐ-TT. Một trong những mục tiêu chính của việc lập quy hoạch là nâng cao năng lực PCTT, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng Đoàn đi kiểm tra thực tế Dự án công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk (Ảnh TL)
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng Đoàn đi kiểm tra thực tế Dự án công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk (Ảnh TL)

Việc lập quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch này với hệ thống quy hoạch quốc gia, làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi và PCTT. Cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác PCTT mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên lưu vực sông, như phòng, chống lũ cho các tuyến sông, quy hoạch đê điều, sử dụng bãi sông, lồng ghép công trình hạ tầng khác kết hợp phục vụ PCTT.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Thứ trưởng, việc thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch sẽ cần tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề nào?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đang tích cực triển khai các nội dung của quy hoạch PCTT và thủy lợi trên toàn quốc. Trong đó tập trung giải quyết những vấn đề lớn, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các vấn đề tồn tại đặc thù, lâu dài của từng vùng.

Theo đó, đối với khu vực miền núi bao gồm phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên để phòng, tránh hậu quả của sạt lở đất, lũ quét, cần quy hoạch, di dời dân đến nơi an toàn, đồng thời quan tâm đến quy trình vận hành liên hồ chứa để bảo vệ vùng hạ du.

Đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cần củng cố hệ thống đê để bảo đảm an toàn cho toàn vùng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Đối với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với các đô thị lớn, phải rà soát tiêu chuẩn, khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt, hạn chế tối đa việc san lấp hồ để tạo mặt bằng xây dựng, giảm không gian chứa nước.

Đồng thời rà soát các quy hoạch liên quan như quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.