Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chuyên nghiệp hóa lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở

An Yên - 17:18, 19/11/2020

Gần dân, hiểu dân, thông thuộc địa hình, có mặt ngay từ thời khắc đầu tiên của thiên tai để giúp sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn… Họ là những đội xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) ở cơ sở. Nhờ lực lượng kiêm nhiệm ấy, những thiệt hại do thiên tai đã giảm đến mức thấp nhất. Để trở thành nòng cốt trong ứng phó thiên tai tại cơ sở thì lực lượng xung kích này cần tổ chức tập huấn, trang bị kĩ năng cũng như phương tiện.

Dân quân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) dùng thuyền đánh cá cứu giúp dân trong lũ lụt
Dân quân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) dùng thuyền đánh cá cứu giúp dân trong lũ lụt

“Quên mình” giữa bão lũ

Trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, tại nhiều địa phương ở miền Trung, lực lượng xung kích PCTT đã lao thẳng vào tâm lũ cứu người, sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Họ là lực lượng tại chỗ, gần dân, thông thuộc địa hình nên ứng phó linh hoạt, cơ động.

Trận lũ lịch sử trong 3 ngày (18 - 20/10) khiến 10/12 thôn của xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị ngập sâu, có nơi đến 2m. Trước tình hình nguy cấp, Ban quân sự xã Cẩm Duệ đã huy động 43 dân quân, cùng thôn đội trưởng địa phương và 16 chiếc thuyền để cứu dân. Trong đêm tối, nước chảy xiết, từng chiếc thuyền máy chạy như thoi, đưa bà con gặp nguy hiểm đến vị trí sơ tán an toàn.

"Lực lượng DQTV cùng các phương tiện tàu, xuồng đã phát huy rất hiệu quả trong việc ứng phó với thiên tai ở cơ sở. Những nỗ lực ấy đã giúp giảm thiểu thiệt hại rất lớn về người và tài sản”.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh

Ông Trần Văn Minh, thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhớ lại giây phút sinh tử: Nhà tôi cách sông nước chảy rất xiết. Nhưng khi tôi đau bụng kêu cứu giữa đêm lũ, lực lượng dân quân xã Cẩm Duệ đã bất chấp nguy hiểm, vượt lũ gần 5km, đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Nhớ lại những trận sạt lở đất kinh hoàng ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) chúng ta càng thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ (DQTV), công an, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... Khi đường bị sạt lở gây tắc nghẽn, khi nước lũ chảy xiết gây chia cắt, mọi nỗ lực tiếp cận hiện trường sạt lở đều vô vọng, thì lực lượng xung kích tại chỗ đã phát huy rất tốt trong việc phối hợp cùng người dân sơ tán, cứu chữa người bị nạn, tìm kiếm người mất tích…

Thậm chí, khi máy bay không thể tiếp cận, thuyền cứu nạn trên sông không thể xuất kích, thì lực lượng xung kích là DQTV đã được huy động cùng với bộ đội, công an tìm đường, luồn rừng tiếp cận vị trí sạt lở.

Các lực lượng xung kích tại chỗ tìm kiếm người mất tích tại hiện trường sạt lở xã Phước Lộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam)
Các lực lượng xung kích tại chỗ tìm kiếm người mất tích tại hiện trường sạt lở xã Phước Lộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam)

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Vị trí sạt lở tại xã Phước Lộc huyện Phước Sơn cuối tháng 10 vừa qua, nếu không có lực lượng xung kích tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục, tìm kiếm người bị nạn ngay từ giờ phút đầu tiên thì sự cố ấy còn khó khăn hơn, thiệt hại hơn rất nhiều. Và khi hiện trường Phước Lộc chưa thể tiếp cận, cũng chính lực lượng xung kích là người dân, quân sự, công an đã cắt rừng gùi lương thực, thuốc men tiếp tế.

Cần “chuyên nghiệp hóa”

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, tỉnh Nghệ An xác định rõ lực lượng xung kích tại cơ sở là nòng cốt quan trọng. Nhờ vậy, sau rất nhiều năm củng cố, xây dựng, toàn tỉnh đã có 460 Đội xung kích PCTT cấp xã được thành lập đã và đang hoạt động có hiệu quả.

Ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho rằng: Đội Xung kích đóng vai trò rất lớn trong việc phòng ngừa và ứng phó thiên tai, góp phần giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân khi thiên tai xảy ra. Nhưng họ cần được tập huấn, trang bị kĩ năng nhiều hơn nữa.

Diễn tập ứng phó với thiên tai tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An)
Diễn tập ứng phó với thiên tai tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Đồng quan điểm này, ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nói thêm: Khi nước lũ dâng cao, vượt ngoài dự báo và các kịch bản ứng phó thì lực lượng DQTV không đủ điều kiện để đáp ứng.

“Vì vậy, chúng tôi nhận thấy, các địa phương cần bố trí kinh phí, bổ sung thêm các trang bị, phương tiện như xuồng, thuyền, áo phao...; đồng thời huấn luyện sâu kỹ hơn các kỹ năng phòng, chống thiên tai lực lượng DQTV”, ông Hùng cho biết.

Trước thực tế mưa bão và thực tiễn PCTT ở cơ sở, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 nhấn mạnh: Một vấn đề đang đặt ra là cần nghiên cứu bổ sung trang bị, tăng cường huấn luyện kỹ năng PCTT, TKCN cho DQTV. Ứng phó với loại thiên tai nào thì phải có tổ chức, chỉ huy, lực lượng phù hợp với loại thiên tai đó.

Theo ông Bình, nếu trong tình huống lũ lụt gây ngập nước nên tổ chức, thành lập các tổ, đội TKCN tại các khu dân cư, trong đó lựa chọn người biết nghề sông nước làm nòng cốt, cùng các thành viên là DQTV, dự bị động viên, huy động phương tiện tàu, thuyền, xuồng nhỏ của người dân; đặt dưới sự chỉ huy thống nhất.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.