Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công năng mới của cọn nước

Nguyễn Thanh - 00:51, 19/06/2023

Những cọn nước (guồng nước) được làm từ tre nứa, tựa như một bánh xe khổng lồ chậm rãi quay. Bao mùa vàng bội thu nơi miền Tây xứ Nghệ đã được tưới tắm từ những cọn nước ấy, để bản làng thêm ấm no, để nhà nhà thêm sung túc. Vượt ra khỏi chức năng thủy lợi, cọn nước đang trở thành sản phẩm độc đáo hút khách du lịch gần xa.

Những guồng quay tưới tắm mùa vàng
Cọn nước không chỉ là phương tiện đưa nước về tưới tắm mùa vàng, mà còn hấp dẫn khách du lịch

Từ nông cụ lấy nước

Có điều kiện ngược Đường 48 lên phía Tây Bắc xứ Nghệ, du khách sẽ ngạc nhiên, thích thú trước những chiếc cọn nước (hay guồng nước) tựa như những bánh xe khổng lồ quay chậm rãi theo lực đẩy của dòng nước sông Hiếu. Những cọn nước ấy, được bà con người Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu sử dụng để lấy nước tưới cho cây trồng.

Không có điều kiện sắm máy bơm nước, nên việc sử dụng cọn nước, rất thích hợp với đặc thù ruộng bậc thang ở vùng miền núi. Hơn nữa, nguyên liệu chế tác thành cọn nước là tre nứa có từ rừng, dễ kiếm tìm. Chi phí, ngày công để tạo ra một cọn nước khoảng hơn 6 triệu đồng và có thể sử dụng khoảng 2 năm.

Ở xã Châu Tiến hiện đang có khoảng 200 cọn nước như thế. Bao năm qua, những mùa vàng bội thu ở Châu Tiến đã được tưới tắm từ những cọn nước ấy. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) Sầm Văn Túc cho biết: Cánh đồng lúa nước của địa phương rộng 280 ha, trải dài trên nhiều địa hình bậc thang khác nhau. Thành ra việc tưới, tiêu bằng kênh mương thủy lợi là không thể thực hiện. Tuy nhiên, sử dụng cọn nước để đưa nước lên ruộng cao lại rất thích hợp và hiệu quả với địa hình miền núi.

Người dân lắp đặt cọn nước để đưa nước tưới tiêu lên ruộng cao
Người dân lắp đặt cọn nước để đưa nước tưới tiêu lên ruộng cao

Mùa lúa nước ở Châu Tiến thường bắt đầu từ tháng Chạp, tháng Giêng. Để kịp mùa vụ, kịp có nước tưới đồng ruộng, người dân Châu Tiến thường bắt đầu làm cọn nước từ tháng 9, tháng 10 năm trước.

Quá trình làm một  cọn nước, từ khi đi lấy nguyên liệu, rồi về chọn lựa, ngâm nước, đến khi chẻ tre và làm thành hình hài thường kéo dài đến 1 tháng.  Mỗi một cọn nước cần đến 160 cây tre, cây nào cây nấy phải tương đồng nhau. Rồi phải chọn cây tre để làm ống nước, cây nào hợp làm vành, cây nào dùng để làm ống múc nước đều phải cân nhắc.

Trong quá trình làm, nếu chỉ lệch một que trẻ đều có thể dẫn đến sai sót toàn bộ cấu trúc, khiến cho cọn nước không quay, không đổ nước được.

Có thể vì giá thành cao, việc làm cọn nước lắm công phu nên người dân ở Châu Tiến ít khi thuê mượn. Người già truyền cho người trẻ… cứ thế, qua năm tháng, các gia đình ở đây đều có người biết làm cọn nước thành thạo. Cũng bởi đặc thù địa hình bậc thang nên ở Châu Tiến, không ai nghĩ sẽ thay thế cọn nước bằng một giải pháp thủy lợi nào khác, bởi dường như không phù hợp.

“Cõng nước” tưới mùa vàng 2
Nguyên liệu làm cọn nước là tre nứa

Đến sản phẩm du lịch

Ấn tượng hơn, cọn nước - một nét đặc trưng trong hoạt động sản xuất của bà con người Thái miền Tây xứ Nghệ đã được nhiều địa phương sử dụng phục vụ du lịch, quảng bá sâu rộng hơn nét văn hóa độc đáo của dân tộc đến bạn bè muôn nơi.

Tiên phong trong việc làm cọn nước “đa mục đích”, là xã Yên Na và xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Tại đây, bên dòng suối Chà Hạ yên bình có đến hàng trăm cọn nước san sát nhau tạo nên một khung cảnh hết sức đẹp mắt, thơ mộng để chào đón du khách.

Nhận thấy khung cảnh vùng đất “sơn thủy hữu tình”, chính quyền xã Yên Na đã bàn bạc với người dân, đầu tư thêm những cây cầu gỗ, chòi dừng nghỉ và phục vụ ẩm thực để mùa hè thu hút du khách, phát triển du lịch cộng đồng sinh thái cho địa phương bên cạnh những cọn nước thủy lợi.

Cọn nước, dòng suối, núi non, đồng ruộng... đã nương tựa, kết hợp thành những bức tranh hút hồn
Cọn nước, dòng suối, núi non, đồng ruộng... đã nương tựa, kết hợp thành những bức tranh hút hồn

Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na chia sẻ: Đồng bào Thái ở địa phương đã sử dụng cọn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ lâu đời. “Những cỗ máy” thủy lợi này không tốn nhiều chi phí mà lại “thân thiện với môi trường”. Hôm nay, cọn nước đang là những nông cụ "đẻ ra tiền" từ hoạt động du lịch.

Cách đó không xa, xã Yên Hòa cũng gây ấn tượng với du khách, khi bà con người Thái sử dụng cọn nước kết hợp cảnh quan môi trường để phát triển du lịch sinh thái.

Du khách đến Yên Hòa không chỉ mê mẩn với những cánh đồng lúa trĩu hạt, rừng săng lẻ tuyệt đẹp như tranh, những điệu múa lăm vông hút hồn bên ché rượu cần chếnh choáng; mà còn lạ lẫm, thích thú với gần 50 cọn nước ngày đêm cần mẫn cùng nước mát và phù sa của dòng Chà Hạ. 

Nhiều du khách khi đến Yên Hòa đã buột miệng: Với ưu thế về phong cảnh, Yên Hòa  rất có cơ hội trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi bật nhất ở miền Tây Nghệ An trong tương lai gần.

“Cõng nước” tưới mùa vàng 4
Những cọn nước ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương trở thành điểm Chek-in

Khi nói về cọn nước, ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương  rất kỳ vọng, ngoài tác dụng tuyệt vời về việc chống hạn, cọn nước sẽ tiếp tục được các địa phương của huyện nhà phát huy tác dụng không chỉ đơn thuần là chức năng thủy lợi, mà đã trở thành sản phẩm đặc trưng, ấn tượng thu hút du khách du lịch.

Ông Hiến nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ có phương án chỉ đạo các xã, phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm trong làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để tạo nên những tua thu hút du khách bằng cách kết hợp nhiều địa danh, địa điểm từ văn hóa đến cảnh quan, trong đó có quần thể cọn nước để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.