Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Con mương hữu nghị" trên miền biên giới Việt - Lào

Trần Hoàng Anh - 20:56, 09/04/2023

Thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, những năm qua, Nhân dân hai bên biên giới giữa tỉnh Sơn La và hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng nước bạn Lào, đã tự giác chấp hành quy chế tự quản, quy chế kết nghĩa, giữ gìn và phát huy được mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt - Lào.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương thường xuyên trao đổi tình hình Nhân dân hai bên biên giới với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới của Lào
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương thường xuyên trao đổi tình hình Nhân dân hai bên biên giới với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới của Lào

Con mương hữu nghị

Ông Tráng Lao Lử, 85 tuổi, trú tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Từ năm 2013, bản Lao Khô đã tham gia kết nghĩa với bản Nà Khặng thuộc xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của Lào. Sau khi kết nghĩa, hai bản đã luôn trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển kinh tế. Bà con ở bản này đã hỗ trợ, giúp đỡ cho bạn Lào một số cây công nghiệp và trồng cây ăn quả, chăn nuôi… Chính vì vậy đời sống bà con của hai bản rất ổn định, không có vấn đề gì xảy ra.

Bà con các bản giáp biên Việt - Lào trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vẫn thường gọi tuyến mương chảy qua Cửa khẩu Chiềng Khương về các cánh đồng xanh tốt của huyện Mường Ét là “Mương hữu nghị Việt - Lào”. 

Thấu hiểu những khó khăn của nhân dân các bộ tộc Lào ở 8 bản giáp biên, vào những năm 60 của thế kỷ trước, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương đã khảo sát và huy động hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ cùng người dân của xã, tổ chức đắp bờ, khơi thông tuyến mương dài hơn 2,5 km để dẫn nước từ con suối Chiềng Khương về cung cấp nước tưới cho hơn 53 ha ruộng của cụm 8 bản thuộc huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào và 15 ha ruộng lúa nước của Nhân dân xã Chiềng Khương nằm ở sát biên. 

Kể từ khi có dòng nước của tuyến “Mương hữu nghị Việt - Lào”, Nhân dân các bản của huyện Mường Ét đã canh tác được 2 vụ lúa/năm. Và từ đó đến nay, đời sống của bà con đã từng ngày “thay da, đổi thịt”, không còn cảnh thiếu ăn, đứt bữa, mà lại còn có thóc lúa để bán.

Ông Quảng Văn Giới - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chia sẻ: Từ trước đến nay, tình đoàn kết giữa bản Chiềng Khương và bản Lán, huyện Mường Ét bên Lào hoạt động rất khăng khít, có mối quan hệ là mương hữu nghị. Khi nào mương nước không chảy được thì bản lại họp, cùng nhau bàn bạc để vận động bà con cả bản Chiềng Khương và bản Lán bên Lào sang để nạo vét mương. 

"Công trình “Mương hữu nghị Việt - Lào” không chỉ giúp cho Nhân dân hai bên lấy nước tưới tiêu ruộng, vườn mà còn bồi đắp ngày càng dày thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới, tô thắm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào", Bí thư chi bộ, Trưởng bản Quảng Văn Giới nói.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Chiềng Khương phối hợp với và con nhân dân 2 bản Chiềng Khương (Việt Nam) và bản Lán (Lào) khơi thông dòng “Mương hữu nghị Việt-Lào”
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp với nhân dân hai bản Chiềng Khương (Việt Nam) và bản Lán (Lào) khơi thông dòng “Mương hữu nghị Việt - Lào”

Ươm mầm xanh hữu nghị

Hơn 4 năm qua, bà con ở bản Khon Xỉ, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, đã quen với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập băng rừng, vượt núi đến chia sẻ những khó khăn đối với gia đình cháu Tun Pheng Khăm Xỉ. 

Thông qua các buổi giao ban nắm tình hình trên biên giới, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình cháu và đã nhận đỡ đầu cho cháu Tun Pheng, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi cháu học hết lớp 12.

Ngoài ra, các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho cháu những khi chuẩn bị bước vào năm học mới hoặc tết đến, xuân về.

Chị Nang Phon, mẹ của cháu Tun Pheng Khăm Xỉ xúc động nói: “Sự quan tâm này đã giúp cho cháu Tun Pheng tiếp tục cắp sách đến trường, nuôi lớn ước mơ trở thành cán bộ công an giống như bố của cháu. Cám ơn các anh Biên phòng rất nhiều”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập tặng quà, sách vở cho cháu Tun Pheng Khăm Xỉ
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập tặng quà, sách vở cho cháu Tun Pheng Khăm Xỉ

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Huân - Chỉ Huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, năm 2016, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã đồng loạt triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” một cách thiết thực và hiệu quả.

Cùng với việc nhận đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã biên giới của Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Sơn La còn chung sức, chung lòng nhận đỡ đầu nhiều em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là con em các bộ tộc Lào ở những bản làng biên giới xa xôi.

Như dòng sông Mã chở nặng phù sa để bồi đắp cho những cánh đồng lúa xanh tốt, những vườn cây trĩu quả của Nhân dân 2 bên biên giới; mối tỉnh đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào ngày càng được đơm hoa, kết trái từ những việc làm nghĩa tình và thiết thực của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi cuối trời Tây Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.