Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chia đôi đường điện, thắp sáng tình hữu nghị

Hoàng Thùy - 09:30, 04/12/2022

Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 71 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Những năm qua lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri đã gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp hai bên bằng những việc làm cụ thể, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đường điện UBND tỉnh và Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hỗ trợ lực lượng Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia
Đường điện UBND tỉnh và Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hỗ trợ lực lượng Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia

Xuyên rừng kéo điện qua biên giới

Tháng 11, Tây Nguyên đã chuyển mùa khô, hoa dã quỳ nở vàng rực khắp cung đường, rừng khộp vào mùa lá rụng cảnh sắc tuyệt đẹp với những gam màu vàng, màu đỏ của các loại cây đặc trưng của rừng khộp.

Đồn Biên phòng Sêrêpốk thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk nằm bên khu rừng khộp rộng lớn, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ địa bàn biên giới, với chiều dài 12,2km đường biên, các cột mốc 44, 45 và phục trách xây dựng địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Song song với Đồn Biên phòng Sêrêpốk, ở bên kia bên giới là Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Ô Rô, thuộc Ty Công an tỉnh Mondulkiri, Vương Quốc Campuchia.

Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Mai Xuân Nam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sêrêpốk kể: một số đồn chốt bảo vệ biên giới của nước bạn nằm trên địa bàn khó khăn, cách xa khu dân cư, nhất là không có điện lưới đã làm sĩ quan, binh sĩ của đồn gặp nhiều khốn khó trong đời sống sinh hoạt. Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu với UBND tỉnh Đắk Lắk kéo đường điện qua biên giới để mang điện tới các đồn, các chốt nước bạn.

Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, tháng 9/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk làm chủ đầu tư thực hiện công trình chia điện, Điện lực Ea Súp (Công ty Điện lực Đắk Lắk) là đơn vị thi công. Công trình đường điện thắp sáng cho các Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới nước bạn có tổng chiều dài 3,3m, tổng số vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng. Băng rừng, lội suối kéo điện xuyên qua cánh rừng khộp, chỉ sau 3 tháng công trình hoàn thành mang ánh sáng hữu nghị đến sĩ quan, binh sĩ Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuhia.

Thiếu tá Mai Xuân Nam chia sẻ: Địa hình biên giới phức tạp, công tác an ninh, kiểm soát người ra vào rất nghiêm ngặt. Lực lượng Biên phòng vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, vừa hỗ trợ đơn vị thi công công trình, bảo vệ trang thiết bị… Bất kể mưa hay nắng, anh em thi công công trình không nghỉ ngày nào. “Đường điện đến Đồn nước bạn phải đi qua rừng rậm, suối sâu, có những thời điểm phải huy động cán bộ, chiến sĩ trong đồn giúp đội thi công đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình về đích đúng hẹn”.

Thắp sáng tình hữu nghị

Đồn Ô Rô là một trong ba 3 đồn cảnh sát bảo vệ biên giới thuộc Ty Công an tỉnh Mondulkiri, được thụ hưởng đấu nối đường điện cao thế công trình chia điện của tỉnh Đắk Lắk. Đồn Ô Rô nằm giữa những cánh rừng già biên giới, cách trung tâm thành phố Senmonorum gần 100 km. 

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk thăm cán bộ, chiến sĩ đồn bạn bị thương
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk thăm cán bộ, chiến sĩ đồn bạn bị thương

Trước đây, khi Đồn Ô Rô chưa có điện, mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đồn bạn thiếu thốn đủ bề, ánh sáng dựa vào bình ắc quy, nước sách từ suối về dùng, sóng điện thoại phập phù lúc có, lúc không.

Thiếu úy Buôn Thay, Phó Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới bộ Ô Rô kể: Mỗi lần bình ắc quy hết, chúng tôi lại nhờ Đồn Biên phòng Việt Nam nạp đẩy rồi mang về sử dụng, thay nhau xuống suối xách nước về dùng. Đơn vị đóng quân ở xa, anh em có khi cả năm mới được về thăm nhà, chỉ có chiếc điện thoại làm câu nối với hậu phương, nhưng không có điện anh em chắt chiu từng vạch pin để có thể giữ liên lạc với gia đình, và liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Điện về cuộc sống của chúng tôi thay đổi hẳn.

 Có điện, chúng tôi đào, khoan giếng bơm nước thay sức người, có nước tưới rau, vườn cây xanh tốt, vật nuôi cũng được chăm sóc tốt hơn. Nhờ có điện, những cuộc điện thoại về gia đình cũng thường xuyên hơn, tình cảm thắt chặt hơn.

Điện không chỉ làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của sĩ quan, binh sĩ các đồn, chốt bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri, mà công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng hiệu quả, vì liên lạc kịp thời. Đã có không ít tình huống đối ngoại được xử lý nhanh chóng, hiệu quả từ hai phía.

Ngoài đường điện thắp sáng, ở tỉnh bạn Mondulkiri còn có nhiều nhiều công trình hạ tầng, điện, đường, nhà ở… mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị do Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ xây dựng. Cùng với đó, là hàng nghìn tấn nhu yếu phẩm, hỗ trợ khám bệnh, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho các trung đội, các chốt, đồn bảo vệ biên giới của tỉnh bạn. Đó là sự quan tâm, ủng hộ, là tình cảm quý mến thiêng liêng vô giá đã được hai bên dày công vun đắp.

Nói về sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Thiếu tướng On Bun Narit, Phó Giám đốc Ty Công an tỉnh Mondulkiri (Campuchia) cảm kích: “Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Đó là nguồn động viên lớn, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chúc cho tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai lực lượng ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp”.

Những việc làm cụ thể của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã góp phần đưa công tác đối ngoại quốc phòng hai bên lên tầm cao mới, hướng đến mục tiêu chung xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.