Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Cọ via kơ pơ" - Lễ làm chuồng trâu của người Xơ Đăng

Nguyệt Anh (T/h) - 11:53, 26/04/2022

Lễ Cọ via kơ pơ hay còn gọi là lễ làm chuồng trâu của người Xơ Đăng chỉ diễn ra trong một ngày, vì vậy trước khi tiến hành nghi lễ các già làng họp và thống nhất chọn ngày cho cả làng tổ chức lễ.

Một làng của người Xơ đăng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - Ảnh Minh họa
Một làng của người Xơ đăng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - Ảnh Minh họa

Lễ vật cúng trong Lễ làm chuồng trâu bao gồm: heo gà, cá, các loại thịt khô, bánh, rượu… Hội đồng già làng luộc gà trống tơ, lấy mâm lễ gồm trầu cau, rượu, bánh, thuốc bột (thuốc lá giã nhỏ) để cúng trời (hi), đất (nỷ), ma tốt.

Bắt đầu tiến hành nghi lễ, chủ nhà dùng dao cắt tiết và cầm con gà vẩy máu vào chuồng, đi quanh vẩy vào cây thuốc dum-pô-kiêng, cột gơng đến khi hết tiết thì mới thôi. Vừa vẩy, chủ nhà vừa khấn: "Hôm nay, gia đình chúng tôi làm chuồng mới cho trâu, để trâu có nhà mới ở. Mong trâu khỏe mạnh, đừng ốm yếu và luôn sinh được nhiều con...". Tiếp theo, cắt hai chân gà rồi buộc lại, treo ở cửa chuồng trâu, với ý nghĩa dành phần cho ma chuồng trâu. Lần lượt các con gà khác được cắt tiết. Mọi thành viên trong gia đình, từ người lớn đến trẻ con cầm con gà vẩy máu vào chuồng trâu và vào từng con trâu.

Sau khi đã thực hiện xong nghi lễ, đồng bào đem heo, gà về nhà chế biến món ăn truyền thống, cùng nhau uống rượu, vui vẻ cả buổi chiều và tối hôm đó. Đêm ấy thật sự là lễ hội của làng.

Rượu cần là thức uống không thể thiếu của người Xơ Đăng trong các lễ hội truyền thống (Ảnh minh họa)
Rượu cần là thức uống không thể thiếu của người Xơ Đăng trong các lễ hội truyền thống (Ảnh minh họa)

Sáng hôm sau, chủ nhà ra chuồng trâu, đem theo một con gà và ba ống nứa, mỗi ống dài chừng 50cm. Chủ nhà cắt tiết gà, có bao nhiêu con trâu thì mỗi con đều phải quệt lưng vào con gà đó; tiếp đến, dùng rựa chẻ các ống nứa làm đôi và ngồi trước cửa chuồng trâu, thử từng cặp ống nứa để chọn hướng đi cho đàn trâu. Cứ mỗi cặp, người này đặt một nửa ở dưới đất với phần lòng máng ngửa lên; nửa còn lại, cầm lên đặt ngang trán, miệng khấn xem trâu muốn đi ăn nơi nào, vùng núi này hay núi khác, đồi núi này hay đồi núi kia… rồi vừa hỏi vừa khẽ thả ống nứa xuống. Nếu hai nửa ống nứa cùng ngửa thì hướng đó trâu không muốn, còn nếu nửa nọ úp vào nửa kia thì coi như trâu đã đồng ý với hướng đi ấy.

Mỗi năm, ngày làm chuồng trâu cũng là dịp để ông bà, cha mẹ chia trâu cho con cái trong gia đình. Nếu chủ nhà muốn chia cho một thành viên nào đó, trước hết họ chọn con trâu định cho, rồi đưa củ dum-pô-kiêng cho người đó và bảo ném vào con trâu định cho. Nếu ném trúng con trâu nào thì coi như người, trâu và Giàng, thần linh, ma tốt, tổ tiên ông bà đều đã ưng thuận. Sau khi được chia trâu, con cái (đã có vợ có chồng) hoặc họ hàng, anh em được chia trâu sẽ về nhà làm thịt một con gà và lấy một ghè rượu để tạ lễ người đã cho mình.

Những chuồng trâu được đồng bào Xơ Đăng dựng đơn giản ngay ngoài đồng. Ảnh: T.H
Những chuồng trâu được đồng bào Xơ Đăng dựng đơn giản ngay ngoài đồng. Ảnh: T.H

Theo phong tục của đồng bào Xơ Đăng, để làm chuồng trâu bao giờ cũng chọn những cây gỗ tốt như lim, xây, bìn lin... không có dây leo bò quanh, kiến đục lỗ, đường kính khoảng bằng bắp chân người lớn. Tránh những cây ơ nụi, hiềm, tơng nỏng, tơng kiếc vì bà con cho rằng đây là những loại cây thường có ma xấu ẩn náu, nếu đem về sẽ bắt trâu chết hoặc nuôi không được. Vị trí làm chuồng trâu thường cách làng khoảng một đến vài trăm mét. Mảnh đất được chọn làm chuồng mỗi năm mỗi khác và phải là chỗ đất mới, chuồng cũ bỏ đi và thường được rào lại trồng thuốc lá, rau cải, rau bí, rau lang. Mỗi thành viên trong gia đình được phân một nhiệm vụ rõ ràng, người đào lỗ, người chôn cột, chuyển gỗ.

Đối với người Xơ Đăng- con trâu là đầu cơ nghiệp
Đối với người Xơ Đăng- con trâu là đầu cơ nghiệp

Chuồng trâu sau khi hoàn thành sẽ không lợp mái mà chỉ là một bãi đất trống được đóng cọc, có cửa. Ngay cổng chuồng trồng loại cây làm thuốc theo tiếng Xơ Đăng là dum-pô-kiêng (rất giống như cây riềng), làm một cây nêu gọi là cột gơng. Bốn góc chuồng thường buộc những chiếc ná đã hỏng và những chùm lá ơtang, cột gơng phải là loại cây có mùi thơm. Tất cả những loại lá và cây này người Xơ Đăng luôn có với hàm ý trừ ma quỷ, tránh những điều xấu cho đàn trâu. Đặc biệt, cây thuốc dum-pô-kiêng nếu mọc nhanh tươi tốt và nhánh nhiều thì trâu của gia đình đó sinh sản nhiều.

Nghi lễ làm chuồng trâu luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng. Từ đây, mối liên kết cộng đồng càng được củng cố và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.