Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ hội Xên Cung của dân tộc Khơ Mú

Nguyệt Anh (T/h) - 10:42, 25/04/2022

Lễ hội Xên Cung hay còn gọi là Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú, thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng.

Thầy cúng đang sắp đồ lễ ở đầu bản
Thầy cúng đang sắp đồ lễ ở đầu bản

Với ước mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, bản mường ấm no, nhà nhà hạnh phúc, Lễ hội Xên Cung (lễ cúng bản) được đồng bào Khơ Mú tổ chức mỗi năm một lần, vào cuối tháng hai, đầu tháng ba dương lịch. Sau khi gieo trồng, cây lúa lên cao cỡ một gang tay, người Khơ Mú tiến hành làm lễ. Đến dịp lễ, trong bản sẽ chọn ra một người làm thầy cúng, đại diện cho dân bản làm nghi lễ khấn mời các vị thần. Thầy cúng phải là người thạo việc thờ cúng, hiểu biết rõ phong tục tập quán của dân tộc mình.

Thầy cúng đang thực hiện nghi lễ ở đầu bản
Thầy cúng đang thực hiện nghi lễ ở đầu bản

Nghi lễ có hai phần cúng, trước tiên cúng ngoài gốc cây to của bản, sau đó mới cúng trong nhà. Lễ vật cúng ở gốc cây to đầu bản gồm một số loại thực phẩm, như đầu lợn, sườn lợn, quần áo, vải vóc... Lễ vật dâng cúng ma làng, các thần linh để báo cáo về vụ thu hoạch được mùa vừa qua. Sau đó đến phần cúng tổ tiên, ông bà gồm một con gà trống, xôi đồ, rượu trắng, đĩa trầu... để báo cáo tổ tiên rằng con cháu đã hoàn thành công việc, mời ma làng và các thần linh về dự lễ. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú và chơi các trò chơi dân gian.

Thầy cúng đang thực hiện nghi lễ trong nhà
Thầy cúng đang thực hiện nghi lễ trong nhà

Theo ông Quàng Văn Cá, Trưởng bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên) giải thích, Lễ hội Xên Cung luôn được người Khơ Mú đặc biệt coi trọng. Theo quan niệm xa xưa của người Khơ Mú, để bảo vệ người dân trong bản, ba ngày trước và sau làm lễ, đồng bào không được ra khỏi bản, vào rừng săn bắt, hái lượm, người lạ không được vào bản, vì ra khỏi bản trước và sau làm lễ sẽ bị rắn cắn, hổ vồ. Nhưng bây giờ, quan niệm đó được thay đổi, mọi người chỉ không ra khỏi bản trước khi diễn ra lễ hội một ngày. “Trong lễ hội, càng nhiều người tham gia thì năm đó dân bản sẽ lao động năng suất và bội thu mùa màng”, ông Cá cho biết thêm.

Thầy cúng mời tất cả các thành viên trong bản uống rượu cần
Thầy cúng mời tất cả các thành viên trong bản uống rượu cần

Lễ hội Xên Cung của dân tộc Khơ Mú đã được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Khơ Mú nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung tới du khách khi đến với “Ngôi nhà chung”.

Dưới đây là hình ảnh đồng bào vui múa trong phần hội:

Lễ hội Xên Cung của dân tộc Khơ Mú 4
Lễ hội Xên Cung của dân tộc Khơ Mú 5
Lễ hội Xên Cung của dân tộc Khơ Mú 6
Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.