Đối với đồng bào Lự, từ xưa đến nay lễ Căm Mương bao giờ cũng được tổ chức rất trang trọng và thông thường được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Mỗi gia đình sẽ cử ra một đại diện là nam giới đi tham gia lễ cúng, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà.
Ông Tao Văn Coong, dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Lễ vật gồm một con gà, rượu và một con lợn do con dân làng cùng đóng góp.”
Ngoài những lễ vật là đồ ăn, thức uống, người Lự còn đặt trên bàn lễ 18 chiếc thuyền giấy màu xanh và màu vàng. Những màu sắc này đều có ý nghĩa riêng của nó. Màu xanh là màu của những cánh rừng bạt ngàn, của sức sống mãnh liệt, màu vàng là màu của thóc lúa, sự sung túc và no đủ.
Từ xưa đến nay, lễ Căm Mường bao giờ cũng được làm rất trang trọng. Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam đi tham gia phần cúng lễ. Thủ tục cúng lễ chia làm bốn phần khác nhau là: Lễ thỉnh Thần, lễ khẩn cầu, lễ Căm Mường và các nghi lễ kết thúc.
Người chủ lễ phải là người già, có uy tín. Người Lự không sử dụng khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào trong phần lễ vì những âm thanh ấy sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng. Và nghi lễ cúng không diễn ra trong nhà mà tổ chức dưới một gốc cây to.
Ba mâm cúng bằng tre, nứa đã được dựng lên. Mâm lễ chính đặt được đặt lên bàn thờ, dựng sát gốc cây, hai bên là mâm lễ phụ. Trên mâm chính sắp 12 chén rượu, 12 chén nước, bộ quần áo, một thủ lợn, rượu, xôi màu, gương soi, thuyền mã, một cái ô, vòng bạc, một bát gạo, một bát thóc. Trên 2 mâm phụ sắp các chén rượu, thịt lợn luộc, thuyền mã, xôi màu.
Sau khi các mâm lễ đã được sắp, thầy cả (chủ lễ) đọc lời tuyên bố lý do tổ chức lễ hội, trong đó, nêu rõ về lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường và những người sẽ thụ lễ lần này.
Nghi thức lễ bắt đầu sau khi chủ lễ và ba thầy phụ lễ lạy ba lạy, rồi đọc lời cúng. Các thầy sẽ đọc lời khẩn cầu lên các vị thần mong các thần phù hộ cho mọi điều tốt lành sẽ đến với bà con dân bản trong năm tới.
Phần lễ được thực hiện đơn giản, không cầu kỳ nhưng mang đậm tính nhân văn sâu sắc, ý nghĩa tâm linh thiêng liêng và là một lễ hội được cộng đồng người Lự ở Lai Châu lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Kết thúc phần lễ, thầy cúng sẽ đốt mã và chia lộc cho bà con trong bản, hai chàng trai cùng thổi sáo mẹ, sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình. Cùng với các bài hát thì trò chơi ném còn cũng là một phần không thể thiếu trong lễ hội này, nó thể hiện sự tinh tế, khéo léo không chỉ trong việc dựng cột, làm quả còn mà ngay cả trong việc tung còn cũng có những bí quyết riêng đã được các thế hệ của người Lự truyền lại cho nhau.
Ai là người ném trúng vòng tròn đầu tiên thì đó sẽ là người may mắn nhất. Ngoài ra, các trò chơi như đẩy gậy, đánh gối cũng là những nét đặc trưng trong lễ hội của đồng bào Lự. Những người bị thua trong các trò chơi này đều được té nước để giải đen cũng như cầu may mắn. Trong những ngày lễ hội và sát lễ hội, đồng bào dân tộc Lự còn phải tuân thủ một số điều để tránh việc không lành.
Ông Tao Văn Ón, một thầy cúng chính ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Trong 3 ngày đó người dân không được đi chặt cây, chặt củi, không được đi hái rau mà tập trung ở nhà vui chơi, ăn uống thoải mái, kiêng không cho người vào nhà, anh em về thăm thì bày cơm ở ngoài ăn thôi.”
Đồng bào Lự tin rằng, sau khi tổ chức lễ Căm Mương, bà con dân bản sẽ càng sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Cùng với những lời khẩn cầu trong lễ Căm Mương, tất cả các gia đình phải cố gắng nuôi cho con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn các thế hệ đi trước. Đây chính là một nét đẹp trong vốn văn hoá của đồng bào Lự nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung cần được bảo tồn gìn giữ và phát triển.