Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sắc màu bản Thẳm

PV - 09:50, 26/03/2021

Về thăm bản Thẳm của đồng bào dân tộc Lự ở Tam Đường, Lai Châu, chúng tôi ấn tượng với những vườn hoa nhiều màu trải rộng giữa cảnh bản làng sông suối hiền hoà.

Homestay của dân bản.
Homestay của dân bản.

Những vườn hoa ấy, cùng với những rặng núi, cánh rừng làm nên vẻ đẹp riêng của điểm du lịch cộng đồng bản Thẳm. Là một ý tưởng làm du lịch tốt khi việc tôn tạo cảnh quan, mở mang các dịch vụ được thực hiện trên cơ sở gìn giữ môi trường, cảnh quan tự nhiên và nếp sống mang đậm bản văn hoá dân tộc của hơn 40 hộ dân sinh sống ở đây.

Chúng tôi được biết, bản Thẳm được công nhận là bản văn hóa du lịch của tỉnh Lai Châu từ năm 2019. Hạ tầng du lịch ở đây bước đầu được quan tâm đầu tư. Bản nằm ngay bên trục đường giao thông chính, vị trí rất thuận lợi. Các đường nội bản, đường tham quan các điểm trong khu vực đã được nâng cấp. Người dân ở đây thân thiện, tích cực tham gia các hoạt động du lịch, có ý thức trong công tác bảo tồn, giữ gìn nếp sống văn hoá truyền thống.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Lự trong nghệ thuật trình diễn, văn hoá ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng cao.

Quang cảnh bản Thẳm.
Quang cảnh bản Thẳm.

Đến bản Thẳm, du khách được ngắm hoa, dạo chơi trong rừng, chèo thuyền trên suối, thăm động Đông Pao, tự tay nấu các món ăn theo cách của người Lự giữa thiên nhiên yên tĩnh. Nhưng điều tạo nên sức cuốn hút mạnh chính là vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của cuộc sống và con người ở đây.

Theo số liệu điều tra, người Lự là một dân tộc rất ít người ở Việt Nam, tổng số dân chưa đến 6 ngàn, chủ yếu sống ở Lai Châu. Người Lự có truyền thống làm ruộng từ lâu đời. Người bản Thẳm cũng như các nơi khác, bên cạnh việc trồng lúa, còn trồng ngô khoai và các loại cây ăn quả. Gia đình nào cũng có vườn cạnh nhà. Nghề dệt phát triển. Nhiều gia đình có khung cửi. Trang phục dân tộc Lự, nhất là váy, áo, khăn của phụ nữ có những hoa văn nhiều màu sắc trên nền vải nhuộm chàm.

Người Lự yêu âm nhạc và thơ ca. Dân ca Lự, gọi là "khắp", được trình diễn với các loại nhạc cụ khác nhau trong các lễ hội đượm sắc màu dân tộc. Ngay trước khi chúng tôi đến thăm, một đêm hội giao lưu văn hoá, trình diễn dân ca và những màn múa hát được tổ chức ở bản Thẳm với nhiều người xem, trong đó có các du khách và người đến từ các bản xung quanh.

Dù là khách từ xa đến, chúng tôi có cảm giác thân thuộc, gần gũi khi đi trên những con đường nhỏ, với những nếp nhà sàn ấm cúng, gặp gỡ và trò chuyện với dân bản. Nhà cửa của người dân ở đây khang trang hơn do điều kiện sống được cải thiện. Trong bản bước đầu cũng đã có điểm giao lưu văn hoá, các homestay của người dân tự mở, có nơi trưng bày các sản phẩm dệt, có nhà hàng dịch vụ.

Quang cảnh bản Thẳm.
Quang cảnh bản Thẳm.

Chúng tôi đã đến thăm một số gia đình trong bản.Vợ chồng anh Vàng Seo Phắc đang dựng nhà. Các thanh niên trong bản đến chung tay. Không khí rất hồ hởi. Chúng tôi cùng mọi người chia vui với gia đình anh Vàng Seo Phắc sau thời gian dành dụm đã đủ điều kiện làm nhà mới.

Chị Vàng Thị Tàng đang ngồi thêu bên hiên nhà. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị gọn gàng, ấm cúng. Chị khoe với khách chiếc váy mới chị đang thêu cho mình vào những lúc rảnh rỗi. Niềm vui của chị thật bình dị.

Tiếp chúng tôi bên khung cửi, chị Tào Thị Lình giới thiệu tỷ mỉ cách dệt hoa văn thổ cẩm khá cầu kỳ của người Lự. Theo lời chị, phụ nữ ở đây đều biết dệt và làm quen với công việc này từ nhỏ. Thổ cẩm của người bản Thẳm là một sản phẩm quý, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở đây.

Chị Vàng Thị Tàng giới thiệu chiếc váy đang thêu với du khách.
Chị Vàng Thị Tàng giới thiệu chiếc váy đang thêu với du khách.

Trên cánh đồng hoa đang khoe sắc ngay lối vào bản, chúng tôi có dịp trò chuyện với hai cô Tào Thị Én và Lò Thị Ún đều ở tuổi đôi mươi. Các cô đang chăm vườn hoa của khu du lịch theo hình thức lao động hợp đồng. Nếu làm đều, mỗi tháng thu nhập của họ được hơn 4 triệu đồng. Công việc cũng phù hợp với khả năng của họ. Các cô cho biết, một số người trong bản có việc làm thêm ở đây. Khu du lịch cần lao động dịch vụ. Dân thu nhập tăng, đời sống tốt hơn trước.

Chúng tôi rời bản Thẳm khi những cánh đồng hoa rực rỡ trong nắng chiều. Tào Thị Én và Lò Thị Ún tiễn khách với nụ cười thân thiện và lời hẹn ngày trở lại. Chuyến thăm cho chúng tôi một cảm nhận: Một dự án du lịch cộng đồng, cùng với việc xây dựng quy hoạch và đầu tư, nếu được người dân địa phương chủ động tham gia do gắn bó với lợi ích của họ, coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hoá, bảo vệ được môi trường thiên nhiên, sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.