Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trang phục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng

Lam Anh (t/h) - 16:19, 19/11/2021

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, trang phục của đồng bào Xơ Đăng thường có màu đen và màu chàm. Hoa văn trên trang phục chủ yếu được trang trí xung quanh áo, váy. Các thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như một tín hiệu ngầm của thông điệp “tôi chưa lấy chồng”.

Già làng dân tộc Xơ Đăng (nhánh Ca Dong) ở Nam Trà My
Già làng dân tộc Xơ Đăng (nhánh Ca Dong) ở Nam Trà My

Xơ Đăng là một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Người Xơ Đăng có 5 nhóm địa phương chính: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng, cư trú tập trung ở các huyện Đắk Tô, Sa Thầy, Đắk Glây, Kon Plông, Ngọc Hồi, Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện Cư M’gar, Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk).

 Trong quá trình hình thành và phát triển, người Xơ Đăng còn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có nét đẹp trên những bộ trang phục truyền thống.

Từ xa xưa, người Xơ Đăng đã biết lấy vỏ cây làm “vải” và làm chỉ khâu. Để làm được chiếc áo bằng vỏ cây, các thiếu nữ trong làng phải vào tận những cánh rừng già nguyên sinh để tìm cây l’oongkapoong (một loại cây giống cây mít rừng). Tìm được cây rồi, đồng bào đem về, đập giập lớp vỏ bên ngoài, lột lấy lớp vỏ phía trong rồi đem ngâm nước, rồi phơi khô. Tiếp tục lấy những lớp vỏ khô cho vào nước sôi, nấu lên, đập lại một lần nữa mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.

Tìm được vỏ cây đã khó, tìm được loại cây để chế tạo chỉ khâu lại càng khó hơn, lấy được cây pasănlapần về, chủ nhân của những chiếc áo cặm cụi chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp, nướng càng lâu thì sợi chỉ càng bền. Phải dùng đến 5 cây l’oongkapoong và 1 cây pasănlapần mới làm được một bộ đồ có chiều dài từ 1,2-1,5m.

Thông thường, áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn, còn mặt ngoài sần sùi hơn.

Về sau, người Xơ Đăng biết trồng bông để kéo sợi, dệt vải. Khung cửi của đồng bào Xơ Đăng nói chung cũng giống như khung dệt của đồng bào Ba Na hay Gia Rai. Họ chủ yếu dệt vải khổ hẹp từ 30 - 40cm, nhưng cũng có khi dệt khổ vải rộng tới 80cm.

Nhờ nghề dệt, đồng bào dân tộc Xơ Đăng vẫn giữ được các loại hình trang phục với những nét đặc trưng theo từng nhóm địa phương. Trang phục của đồng bào Xơ Đăng chủ đạo là màu chàm, màu đỏ được nhuộm từ quả phum nhu (quả cà ri của người Kinh), màu đỏ từ củ nghệ và màu chàm từ lá của cây bằng lăng trộn chung với bùn.

Trang phục Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng) huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
Trang phục Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng) huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum

Trang phục đậm chất Tây Nguyên của dân tộc Xơ Đăng là các loại khố, áo của đàn ông; áo chui đầu tay áo được khoét sát nách và váy quấn của phụ nữ, khăn đội đầu, tấm choàng, tấm địu trẻ em. Xưa kia, nam giới Xơ Đăng thường đóng khố, cởi trần. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân. Trong các lễ hội, người đàn ông thường quấn chéo thêm một tấm vải trên ngực, nhìn như một chiến binh đang ra trận.

Còn trang phục truyền thống của phụ nữ gồm áo, váy, tấm choàng (khăn vai) và địu em bé. Áo là kiểu áo chui đầu, không có tay. Tấm choàng hay còn gọi là khăn vai được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau. Các thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như một dấu hiệu cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình để có thể trò chuyện, tìm hiểu.

Khi về nhà chồng, người con gái mang theo tấm choàng và giữ gìn như một vật kỷ niệm quý giá của thời con gái. Tấm choàng được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau. Để có tấm choàng, họ dệt 2 tấm vải sau đó ghép lại. Trên mặt phải của tấm choàng được trang trí hoa văn hình quả trám xen kẽ với các dải màu đen, trắng, đỏ.

Để tô điểm thêm, người Xơ Đăng còn sử dụng các loại hình trang sức như vòng đồng, vòng bạc, chuỗi hạt cườm, đặc biệt là các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú...

Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, đời sống phát triển, người Xơ Đăng có nhiều lựa chọn để may, mặc các bộ trang phục khác. Tuy nhiên trong các dịp lễ hội, đồng bào Xơ Đăng vẫn khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống, để giữ gìn nét văn hóa và bản sắc của dân tộc mình.

Một số hình ảnh đặc sắc trang phục của đồng bào Xơ Đăng

Tấm choàng tín hiệu chưa chồng của thiếu nữ Xơ Đăng
Khố hoa – nét đặc trưng độc đáo của người Xơ Đăng
Trang phục cô dâu, chú rể người Xơ Đăng (ảnh: Tấn Vịnh)
Trang phục cô dâu, chú rể người Xơ Đăng (ảnh: Tấn Vịnh)
Trang phục trong hoạt động thường ngày của đồng bào Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum
Trang phục trong hoạt động thường ngày của đồng bào Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum
Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.