Trao yêu thương qua từng con chữ
Không có tiếng trống trường giòn giã vang lên báo hiệu mỗi ngày, nhưng cứ đều đặn mỗi tuần 4 buổi, khi đồng hồ vừa điểm 17h30, thì trên căn gác nhỏ đơn sơ, chỉ với một chiếc bảng trắng với 2 dãy bàn gỗ kê sát tường tại ngôi nhà của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu lại vang lên tiếng đọc bài ê, a của lũ trẻ.
Lớp học của cô Hiếu đa dạng học sinh về độ tuổi, nhưng điểm chung là các em đều khó khăn. Em thì mồ côi, em bán vé số dạo, bán hàng rong, cha mẹ là lao động nghèo, có em sống cùng ông bà… Nhiều thời điểm, lớp học của cô có tới 30 em đến lớp mỗi đêm.
Về cái duyên gắn với lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, cô Hiếu cho biết: Khi cô học lớp 6, cha bệnh nặng rồi qua đời, mẹ tảo tần nuôi chị em cô ăn học. Tới năm lớp 8, cô phải thôi học đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Năm 18 tuổi, khi tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện cho thiếu nhi, cô Hiếu được giao nhiệm vụ giảng dạy các lớp học tình thương do địa phương tổ chức.
“Vào thời điểm đó, các em nhỏ tại đây không biết chữ rất nhiều, không nhà cửa, các em sống cùng gia đình trong những căn trọ. Cũng vì hoàn cảnh, mà ước mơ được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa đối với những đứa trẻ này cũng dường như trở nên xa xỉ”, cô Hiếu nói.
Lúc đầu, gia đình cô Hiếu không đồng ý cho tham gia dạy lớp "xóa mù chữ". Vì khi đó quá khó khăn, gia đình muốn cô dành thời gian đi làm kiếm tiền. Phần vì sợ cô không đủ kiến thức để đứng lớp. Nhưng khi được cán bộ phường vận động thuyết phục, từ đó cô gắn với việc dạy chữ cho trẻ em nghèo.
Dù xuất phát điểm không phải là giáo viên ngành Sư phạm, nhưng cô Hiếu lại rất hết lòng với công việc, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng giảng dạy của mình. Cô Hiếu chia sẻ: "Khó khăn nhất và đầu tiên là cách phát âm. Vì mình không học qua sư phạm. Bởi vậy dịp Hè, cô được trường đưa đi học thêm 3 tháng để nâng cao cách dạy. Rồi cô cũng xin dự giờ ban ngày để nắm bắt được những cái mới rồi đem về dạy cho các bé. Nói chung mọi thứ, những gì cần thì cô đều hỏi. Bởi nếu mà sợ mọi người biết mình dốt thì sẽ dốt mãi, mình phải hỏi cho biết thì mới dạy được".
Sau khi vừa dạy, vừa theo học các lớp bổ túc bồi dưỡng văn hóa, cô Hiếu đã hoàn thành chương trình sư phạm và được phân công dạy phổ cập tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Ninh Kiều). Thời gian này, cô vẫn duy trì lớp học miễn phí. Để có chỗ dạy, địa phương đã mượn cơ sở vật chất ở chùa để giúp cô trong việc dạy cho trẻ em cơ nhỡ, đường phố.
Thời gian tiếp đó, cô Hiếu tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà. Nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ sách vở, bàn ghế… lớp học dần ổn định, cô có điều kiện giảng dạy các em tốt hơn.
Hành trang cuộc đời
Đã 40 năm trôi qua, có hàng trăm em học trò nghèo đã được cô Hiếu dìu dắt từ lớp học “dã chiến” ấy. Mỗi em, mỗi số phận, nhưng lại cùng một khát khao về con chữ, bởi các em tin rằng, khi biết được chữ thì “hành trang” cho cuộc đời cũng sẽ thêm phần vững chãi. Nhưng cũng có nhiều em nhỏ, niềm vui được đến lớp vẫn còn chưa trọn vẹn, bởi cuộc sống mưu sinh của gia đình quá khó khăn, các em nhỏ lại phải sống trong cảnh ngược xuôi “rày đây, mai đó”.
Cô Hiếu trăn trở: "Sĩ số học sinh tới lớp cô dao động lắm. Tại vì ba mẹ với ông bà chuyển chỗ ở thì mấy em phải đi theo. Hầu như mấy em đó không có nhà cửa, ở tạm trú thôi".
Cứ lớp lớp thế hệ học trò đến rồi lại đi, cũng có những em từ lớp học nhỏ mà trưởng thành, có công việc ổn định. Tiêu biểu, có cô học trò nhỏ mồ côi tên Phước ngày nào, giờ đây đã trở thành kế toán.
Kể về học trò của mình, cô Hiếu không giấu được niềm vui: "Đó là điều mà cô cảm thấy rất tự hào. Bây giờ Phước đi làm và thỉnh thoảng có trở về thăm lớp, biết cô bán móc khóa, em ấy trực tiếp móc những móc khóa bằng len, gửi mẹ đem lại cho cô, cũng tự làm bánh gửi tặng cho cô. Lâu lâu mua vài bịch kẹo, thùng mì gửi lại cho mấy bé".
Nỗi lo của cô
Ánh mắt nhìn vào khoảng không, cô Hiếu tâm sự, điều mơ ước của cô không phải là dạy học, mà chỉ muốn trở thành một công nhân, “hằng ngày tan làm về, đạp xe trên con đường Nguyễn Trãi rợp mát bóng cây”. Tuy nhiên, bởi thương với các học trò mà cô Hiếu trụ vững đến tận bây giờ.
Thế nhưng chính điều này làm cô thấy lo lắng. Cô nhận thức mình giờ đã chuyển sang tuổi xế chiều, nên băn khoăn đến khi không thể đứng lớp, thì có ai yêu thương, dạy cho các em con chữ nữa hay không.
“Giờ cô chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ các em. Đến khi nào không thể làm được nữa, cô cũng mong có ai đó sẽ tiếp tục "gieo" cho các em con chữ. Cô sẵn sàng cho mượn chính địa điểm lớp để tổ chức giảng dạy” cô Hiếu cho hay.
Được biết, ngoài sự giúp đỡ của mạnh thường quân, lớp học của cô Hiếu còn nhận được sự quan tâm từ các bạn sinh viên tình nguyện đến từ Câu lạc bộ Vì trẻ thơ. Đều đặn mỗi tuần, sẽ có các bạn đến hỗ trợ cùng cô giảng dạy. Chứng kiến hoàn cảnh của các em nhỏ, sự tận tâm mà cô Hiếu dành cho học trò của mình, các bạn tình nguyện viên như được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó cùng công việc ý nghĩa.
Bạn Hoàng Trúc - tình nguyện viên chia sẻ: "Khi mà em làm những hoạt động đó, đôi khi em cũng cảm thấy nản, nhưng mà cô cũng động viên em rất là nhiều để cho tụi em tiếp tục làm. Cô cũng cho em thấy được cái ý nghĩa đó, cô cũng sẵn sàng giúp tụi em trong những hoạt động khác của câu lạc bộ chứ không chỉ là hoạt động dạy học không".
Chị Lê Thị Anh Đào (41 tuổi, ngụ TP. Cần Thơ) bộc bạch, do hoàn cảnh khó khăn nên chị không có điều kiện cho con đến trường. Biết lớp học tình thương của cô Hiếu, chị xin cho con theo học đến nay đã được 5 năm. Nhờ đó, con chị biết chữ và được dạy lễ nghĩa nên rất ngoan. Ngoài học chữ, con chị còn được cô Hiếu dạy kết cườm làm móc khóa để tự kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Cứ như vậy, bằng tình yêu thương, bằng trái tim nhiệt huyết của một nhà giáo tận tâm với nghề, cô Hiếu đã sưởi ấm cho tâm hồn, cho tuổi thơ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của đứa trẻ “chưa kịp lớn đã phải trưởng thành”, âm thầm thu nhặt những mảnh ghép cuộc đời, thắp lên ánh sáng hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những em nhỏ kém may mắn. Vì cô biết rằng, các em cũng cần lắm một đôi tay vững chắc để dìu dắt các em qua những chông chênh của cuộc đời.